Tại sao còn tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính sách minh bạch nhờ tham vấn 
 
Tham vấn được nhìn nhận là một mối quan hệ hai chiều, trong đó công chúng phản hồi cho Nhà nước về chính sách, pháp luật và Nhà nước đưa ra các chính sách mới, lắng nghe tiếp thu, chắt lọc để hoàn thiện. Để nhận được sự phản hồi từ phía người dân thì Nhà nước cần xác định rõ vấn đề cần đóng góp ý kiến và cung cấp đầy đủ thông tin về vấn đề đó, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp tích cực nhất. Và chính sách ban hành sẽ nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng, của xã hội khi chính sách ấy tuân thủ nghiêm quy trình tham vấn công chúng. 
 
Thực tế cho thấy, tham vấn là hoạt động phát huy dân chủ, là công đoạn quan trọng trong quy trình ban hành chính sách khoa học, thực tiễn, kết tinh được ý nguyện của người dân trong mỗi quyết định. Cũng chính từ tham vấn mà giúp người dân thể hiện ý kiến của mình vào những vấn đề quốc sách, dân sinh được quy định trong các văn bản. Mặt khác, người làm chính sách, chính quyền trực tiếp lắng nghe, chắt lọc, xử lý và tiếp thu. Vì vậy, tham vấn công chúng tạo điều kiện phản biện xã hội một cách chủ động, đây cũng là dịp để quảng bá chính sách mới và tạo được sự đồng thuận trong xã hội về chính sách sẽ được ban hành. 
 
Tham vấn làm cho chính quyền quan tâm hơn đến nhu cầu, lợi ích của công chúng. Đây cũng là khẳng định của nhiều chuyên gia xây dựng pháp luật. Và điều đó đặt ra yêu cầu khi dự thảo chính sách, phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tính toán tới quyền và lợi ích của người dân, sát với thực tiễn. Nếu xem nhẹ ý kiến tham vấn, thì ngay cả khi chính sách đang ở dạng dự thảo vẫn sẽ vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía công chúng. 
 
Vẫn còn tình trạng “đối phó”
 
Lâu nay, chúng ta vẫn nghe cộng đồng xã hội than thở rằng, “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” để nói về những chính sách được ban hành xa rời thực tế. Đây chính là hậu quả của việc ban hành một số quy định về chính sách còn máy móc, khô cứng, dập khuôn và thiếu tính thực tiễn. Đó cũng là một phần từ kết quả của việc tham vấn công chúng đôi khi chỉ làm mang tính “đối phó”, làm cho đủ thủ tục. Nên còn tồn tại những quy định “lửng lơ”, khó thực hiện, làm suy yếu tính nghiêm minh của chính sách, pháp luật.

Đa số các ý kiến tham gia cuộc khảo sát đều nhìn nhận rằng sự thờ ơ của các cơ quan nhà nước đối với tham vấn công chúng đã dẫn tới việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được đánh giá là còn hình thức, chưa hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến nhân dân chỉ dừng lại ở mức độ đối phó với quy định của Luật Ban hành Văn bản QPPL và nhằm bảo đảm mục đích chuẩn bị “hồ sơ đầy đủ’’ trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua dự án văn bản QPPL. Thậm chí, có những địa phương chưa bao giờ lấy ý kiến nhân dân địa phương vào dự thảo văn bản QPPPL của cấp mình.

Theo Báo cáo nghiên cứu

Điều đáng nói là ngay cả cơ quan nhà nước cũng chưa thể hiện sự tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phối hợp với các cơ quan nhà nước khác trong việc hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL. Nhiều cơ quan thể hiện sự thờ ơ với hoạt động này. Một số cơ quan chỉ tích cực tham gia đối với văn bản nào liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, còn đối với các văn bản khác thì chỉ trả lời “qua loa đại khái” hoặc chỉ dừng lại ở mức độ “đồng ý” hay “không có ý kiến”.
 
Nếu như vẫn còn tình trạng một số cơ quan nhà nước còn thờ ơ thì về phía người dân vẫn còn bị động trong hoạt động tham vấn công chúng. Khi nhìn nhận về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng tổ chức lấy ý kiến công chúng về các dự án Luật của QH là sự thiếu tích cực từ phía người dân. Có đến 59,2% ĐBQH được hỏi cho biết đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tham vấn công chúng hiện nay. Và nếu có tham gia đóng góp ý kiến thì người dân cũng chỉ dừng lại ở việc tham gia chính sách tại địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. 
 
Cùng với việc thờ ơ của một số cơ quan nhà nước khi thực hiện tham vấn và sự bị động của người dân, một vấn đề được đề cập nhiều hiện nay được cho là có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia tích cực của các đối tượng tham vấn cũng như hiệu quả của hoạt động tham vấn chính là việc tiếp thu ý kiến tham vấn. Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến thừa nhận, việc tiếp thu ý kiến tham vấn của các cơ quan tổ chức tham vấn chưa đầy đủ, toàn diện. Tổ chức tham vấn nhưng việc tiếp thu, giải trình như thế nào lại chưa rõ ràng, chưa được công khai, minh bạch. 
 
Chuyển tham vấn “đối phó” thành tham vấn thực chất

 
Để khắc phục tình trạng “đối phó” khi thực hiện tham vấn cũng như hoạt động tham vấn mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện được ý chí của công chúng thì phạm vi đối tượng tham vấn phải mang tính tiêu biểu đại diện cho đông đảo các nhóm khác nhau liên quan đến các quy định trong dự thảo văn bản được đưa ra tham vấn. Ngay cả trong nhóm các đối tượng chịu sự tác động thì cũng phải tham vấn đại diện cho từng nhóm lợi ích cơ bản của đối tượng chịu sự tác động. 

 Nhìn nhận về hoạt động tham vấn, dưới góc nhìn của nhà lập pháp, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, phải trân trọng ý kiến tham vấn. Đồng thời, cần có người chịu trách nhiệm về phản hồi ý kiến tham vấn, đánh giá công khai các ý kiến tham vấn, đừng để khi chính sách ban hành, người dân chịu đựng, đến khi không chịu đựng được thì phản ứng…

Có thể khẳng định rằng, nếu hoạt động tham vấn được thực hiện đa dạng, thực chất, thì sẽ giúp người làm chính sách nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn, quyết định ban hành chính sách sát thực tiễn hơn, chính sách vào cuộc sống kịp thời và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rang hơn. Từ đó giảm thiểu và tránh tình trạng phản ứng tiêu cực của người dân, của xã hội khi văn bản, chính sách được ban hành.
 
Việc lựa chọn đối tượng để tham vấn cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng để mang lại hiệu quả cao của hoạt động này. Thông thường, những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tức là những người có quyền và lợi ích sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quy định trong dự thảo văn bản sẽ là đối tượng cần phải được lựa chọn để tham vấn. Nếu thiếu nhóm đối tượng này, một cuộc tham vấn dù có quy mô rộng rãi đến mấy thì cũng chưa thể coi là một cuộc tham vấn công chúng đúng nghĩa. 
 
Bên cạnh đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các quy định chính sách đang xây dựng là bắt buộc thì có một nhóm đối tượng dù không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính các chính sách ấy nhưng những ý kiến đóng góp của họ lại rất giá trị trong việc hoàn thiện các văn bản QPPL. Đó chính là những người có trình độ thực tiễn và cả lý luận về vấn đề đó; là những người bảo vệ quyền lợi, những người cung cấp các dịch vụ liên quan, những người chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các chính sách. 
 
Tuy nhiên, cùng với việc quan tâm đến đối tượng tham vấn, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp thu và phản hồi trong quá trình tham vấn để ý kiến tham vấn của người dân, tổ chức không còn cảnh “ném đá ao bèo”. Cùng với đó, cần quy định về quyền được tham vấn của người dân đối với dự thảo chính sách, VBQPPL để thu hút sự tham gia của nhân dân vào đóng góp xây dựng chính sách.  

Hà An
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân