Tận dụng FTA: Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chưa tận dụng tốt cơ hội từ FTA

Về lý thuyết, việc thực thi các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng thực tế lại không như mong đợi. Cụ thể cho đến nay, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang khu vực Asean, chỉ 25% là có tận dụng các ưu đãi từ FTA giữa Asean và Việt Nam.

Điều này có nghĩa là tỷ lệ sử dụng nguyên liệu hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia Asean (form D) nhằm tận dụng ưu đãi về thuế quan của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp. Tương tự, với thị trường Trung Quốc, cũng chỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này là có sử dụng ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Asean – Trung Quốc (ACFTA).

Theo ông Lê Quang Lân, Vụ phó Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương, sau khi ACFTA có hiệu lực, Việt Nam vẫn ở trong tình trạng thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc.

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, sản phẩm nông nghiệp chiếm đến 39%, các loại nguyên liệu tài nguyên thô là 33%. Những mặt hàng khác như da giày, hàng dệt may cũng chỉ chiếm 1% trong tổng cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Các sản phẩm liên quan đến thiết bị, máy móc công nghiệp được khoảng 3%.

Ngược lại, Việt Nam nhập từ Trung Quốc đến 80% nguyên liệu thô dùng cho sản xuất trong nước. Các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh cao từ hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Rào cản phi thuế quan trong quá trình thực hiện các FTA cũng gây khó cho doanh nghiệp. Nhiều quy định về tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia nhập khẩu như giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng xuất khẩu, doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng hạn chế lớn nhất của việc thực thi FTA là nhận thức của các doanh nghiệp. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thông tin của Việt Nam chủ yếu chỉ nói về WTO, còn thông tin để doanh nghiệp hiểu rõ về bản chất của FTA vẫn chưa nhiều và cụ thể. Những vấn đề kỹ thuật trong FTA, như nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp vẫn chưa thông hiểu.

Vì vậy để tận dụng FTA, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp phải chủ động hơn. “Trong khuôn khổ FTA giữa Asean và Hàn Quốc, thuế nhập khẩu bột sắn ở Hàn Quốc từ 800% giảm xuống còn 0%. Đây là sự thay đổi lớn về bảo hộ, nếu doanh nghiệp đủ thông tin và tận dụng tốt cơ hội này, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc thâm nhập các thị trường xuất khẩu”, ông Thành nói.

Những khó khăn trên cho thấy doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin và những hướng dẫn thực thi các FTA. Mặc dù Bộ Công Thương có công bố những thông tin liên quan đến các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký trên website của bộ, nhưng theo ông Thành, để thông tin này thực sự hữu ích, cần có sự trao đổi hai chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Có nhiều giải pháp để tận dụng tốt các lợi thế từ FTA nhưng vấn đề quan trọng nhất, theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, là “doanh nghiệp cần chủ động hơn” trong quá trình này.

Theo ông Lân, cơ quan nhà nước rất cần sự hợp tác của doanh nghiệp để việc thực thi các FTA hiệu quả hơn. Cụ thể, Nhà nước có thể giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản.

Ví dụ, thị trường EU đưa ra những tiêu chuẩn mới về hóa chất sử dụng trong các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng EU cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giúp doanh nghiệp nắm bắt những điểm mới này.

Kinh nghiệm từ Chính phủ Úc, họ có một bộ phận chuyên hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp về FTA. Cơ quan này có nhiệm vụ đến các doanh nghiệp phổ biến thông tin và thu thập những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Việt Nam cũng đang thực hiện điều này, nhưng theo ông Lân, vẫn chưa được bài bản lắm do nguồn lực còn hạn chế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện sâu và rộng chương trình truyền thông Asean, thông tin cho doanh nghiệp về tất cả các FTA của Asean với các đối tác. Theo ông Võ Trí Thành, việc đàm phán các FTA trong thời gian tới cũng sẽ có nhiều thay đổi – các doanh nghiệp và hiệp hội các ngành hàng sẽ tham gia ngay từ đầu quá trình này.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin và có những kế hoạch lâu dài trong việc thực thi các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng vừa thành lập bộ phận tư vấn về pháp lý để tiếp nhận những thông tin phản hồi và là tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán và thực hiện các cam kết thương mại quốc tế.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online