Tăng giá điện: Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu hẹp sản xuất?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ảnh hưởng đến kích cầu

Theo TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường – giá cả (Bộ Tài chính): Giá điện tăng sẽ không kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác trong xã hội tăng. Bởi tình hình hiện nay liên quan đến nhu cầu tiêu dùng, nếu giá tăng nữa thì người ta sẽ không mua hàng nữa. Chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Khi chi phí chưa tăng thì người ta đã không bán được hàng rồi, nếu nay chi phí tăng nữa mà tăng giá theo thì càng không bán được hàng. Khi đó người ta sẽ thu hẹp sản xuất chứ không tính đến chuyện tăng giá. Ví dụ, khi giá điện ở mức như năm 2008 người ta dùng 2 cái tủ lạnh thì năm nay chỉ dùng 1 cái, vì các sản phẩm chứa trong tủ lạnh cũng không bán được cho ai cả.

Các tin bài liên quan tại Báo điện tử VOV News
>>Từ 1/3/2009, giá bán lẻ điện bình quân 948,5 đồng/kWh
>> Kiến nghị Chính phủ cân nhắc lộ trình tăng giá điện
>>Chuyển từ độc quyền nhỏ sang độc quyền lớn?
>>Năm 2009: Tăng giá điện, nước tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể

Cùng quan điểm với TS Vũ Đình Ánh, TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) đưa ra tính toán của mình: “Tăng giá điện sẽ hút khỏi nền kinh tế khoảng 4.800 tỉ đồng cho tiêu dùng mỗi năm. Vì việc tăng giá điện khiến nền kinh tế (cả hộ gia đình và cơ sở sản xuất) phải tăng chi tiêu thêm khoảng 4.800 tỉ cho ngành điện, làm giảm cơ hội chi tiêu cho các sản phẩm khác một khoản tương ứng”.

Theo một qui luật, từ trước tới nay, điện tăng thì giá tăng, còn đến nay, “điện tăng thì người ta sẽ thu hẹp sản xuất, không làm nữa. Thực ra, nhiều DN không thiếu vốn mà là sản xuất ra nhưng không bán được. Mục tiêu hiện nay không phải chỉ tập trung vào giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay mà cần phải giảm giá cho hàng tiêu dùng. Thế nhưng, đến thời điểm này chưa thấy giảm giá mà đã tăng đầu vào”-TS Vũ Đình Ánh nói.

Không thể nói tăng giá để đầu tư

Vẫn là một “bài ca muôn thuở”, ngành điện lại lấy lý do “tăng giá điện để có tiền đầu tư cho ngành điện”. Ngành điện vẫn luôn nhắc điệp khúc “thua lỗ” nhưng sau khi xác nhận “không lỗ” thì lại lập luận là “lấy vốn đầu tư”.  Một ý nữa là nếu không tăng giá điện thì những nhà đầu tư vào điện sẽ kêu là không bù đắp được chi phí. “Theo tôi, ngành điện là của Nhà nước thì Nhà nước phải đầu tư. Còn nếu không đầu tư được thì hãy thả ra cho các doanh nghiệp khác làm cùng. Câu chuyện của Bưu chính Viễn thông cũng tương tự như vậy. Khi kêu gọi đầu tư vào những ngành này chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vì đó là những ngành cực kỳ có lợi” – TS Vũ Đình Ánh bày tỏ quan điểm của mình.

Theo TS Vũ Đình Ánh: Hiện nay, mặt hàng điện (hay xăng dầu) vẫn chưa thực sự cạnh tranh. TS Ánh đưa ra dẫn chứng về xe Lead của Honda. Một số người tiêu dùng Việt “gân cổ” lên bảo là Honda bán phá giá, chào hàng là 31 triệu đồng mà bán tới 36 triệu đồng. “Nhưng ai bắt các ông mua xe Lead? Trên thị trường còn rất nhiều loại xe máy để người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng nếu bây giờ, người dân không dùng điện của EVN thì dùng điện của ai?” – TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển kinh tế – Xã hội Hà Nội thì phân tích: Lợi ích của ngành điện thì đã rõ ràng, tăng giá để thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có cơ chế kiểm soát, giám sát ngay số vốn này tăng thêm có đúng để đầu tư cho ngành điện hay không? Đầu tư mang lại hiệu quả như thế nào? Hay là vốn đầu tư lại được mang đi đầu tư ngoài ngành, hiệu quả sử dụng vốn thấp cũng là vấn đề cần phải xem xét”./.

Vũ Hạnh
Nguồn: Báo điện tử VOV News