Tăng giá điện: Hiệu ứng dây chuyền đẩy giá lên?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – ông Vũ Vinh Phú, khẳng định: Giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện, nước, phí vận tải, đến nhu yếu phẩm như dầu ăn, sữa, lương thực, thực phẩm… đang đứng ở mặt bằng giá cao, và nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng, thì tăng giá điện sẽ khiến giá cả khó dừng lại.

“Chắc chắn giá nhiều mặt hàng sẽ không chờ đến 1/3 mới tăng giá, mà ngay từ trong tháng 2 sẽ tăng” – ông Phú nói.

Hiệp hội Siêu thị HN đang lên kế hoạch kiểm tra giá cả tại một số siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn HN. Kết quả kiểm tra sẽ làm bằng chứng để kiến nghị các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách đối với thị trường trong nước, kiến nghị các vấn đề kiểm soát và lưu thông hàng hoá.

PGS-TS Ngô Trí Long- Học viện Tài chính – cho rằng: “Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có đánh giá tổng thể tác động nhiều mặt của việc tăng giá điện tại thời điểm 1.3.2009 đối với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khả năng giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Tôi cho rằng, nhận định của Bộ Công Thương trình Chính phủ trong đề án giá điện năm 2009: “Tăng giá điện không tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế, với mức đánh giá mức tăng sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2009 khoảng 0,05-0,07%; CPI tăng 0,25-0,3%, các ngành sản xuất có giá thành sản phẩm tăng thêm khoảng 3-4%… là chưa chính xác.

Nên chăng, cần một cơ quan phản biện độc lập, đánh giá lại mức độ tăng giá này. Cần tính đến cả yếu tố tâm lý và hiệu ứng dây chuyền đẩy giá lên. Từ hiệu ứng tăng giá điện, trong bối cảnh các chính sách vĩ mô của Chính phủ như cho vay DN để giảm giá thành đầu vào, giảm giá bán đầu ra, kích cầu tiêu dùng thì việc tăng giá điện e rằng sẽ có tác dụng ngược lại chính sách trên.

Các nhà sản xuất cũng tỏ ra lo lắng trước quyết định tăng giá điện. Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) – cho biết: Sản xuất phôi thép hiện tiêu thụ tới 700kWh điện/tấn phôi, trong năm nay toàn ngành dự kiến đưa ra thị trường khoảng 3 triệu tấn phôi – trong tổng số 4,5 triệu tấn theo dự báo nhu cầu (chiếm 60% lượng phôi thép), thì giá thành đầu vào sẽ đội lên. Trong khi đầu ra không tăng tương ứng, vì cung vượt xa cầu.

Ông Cường cũng cho rằng: Để khắc phục tình trạng tiêu thụ thép chậm do giá thép trong nước hiện cao hơn giá NK, ngành thép chỉ còn cách cắt giảm chi phí và triệt để tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Sơn- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt – May – cho biết: Chưa biết chính xác khả năng tăng giá điện cho khu vực sản xuất là bao nhiêu, nhưng giá thành dệt – may chắc chắn sẽ bị đội lên.

Tương tự với ngành sản xuất phân bón, GĐ Cty supe phốtphát và hoá chất Lâm Thao cho biết, giá điện tăng thêm 8,92% sẽ tăng đầu vào sản xuất phân bón khoảng 10%; do vậy, việc tăng giá sản phẩm phân bón của Cty trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Về phía người tiêu dùng, trong bối cảnh giảm phát, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu, thì việc tăng giá điện sẽ khiến lâm vào cảnh khó khăn hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định: Tác động từ việc tăng giá dây chuyền sẽ lớn hơn tăng giá các mặt hàng đầu vào của nền kinh tế. Vì vậy thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến sự tăng giá của nhiều loại hàng hoá khác, trước là lương thực, thực phẩm và xăng dầu, khiến nền kinh tế vốn đã khó khăn càng tăng trưởng chậm.

Theo Quỳnh Trang
Nguồn: Báo Điện tử Lao động