Tăng lương không phải giải pháp duy nhất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các vụ đình công diễn ra trong thời gian qua chủ yếu là đấu tranh của người lao động để đề nghị tăng lương, vì thực tế thu nhập không đáp ứng được các chi tiêu tối thiểu. Theo điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại vùng 4 chỉ có 1,2 – 1,3% số doanh nghiệp không thực hiện được đúng mức lương tối thiểu được Chính phủ công bố. Thực tế thị trường lao động, mức lương thực tế được trả cao hơn nhiều mức lương tối thiểu, thông thường mức thấp nhất cũng là 2 triệu đồng/tháng. Cũng theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng 13,7% so với mức cũ là 730.000 đồng/tháng, trong khi trượt giá năm 2011 là 11,75%. Như vậy là mức điều chỉnh lương tối thiểu đã cao hơn mức trượt giá. Song, điều bất hợp lý là các chi phí như tiền thuê nhà, lương thực – thực phẩm… đã đi cùng, thậm chí là đi trước việc tăng lương tối thiểu. Điều này khiến công nhân, nhân viên không có tích lũy cho tương lai.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu để các bên thỏa thuận trên cơ sở năng lực của người lao động, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tập quán cũng như thói quen nên đa số doanh nghiệp chỉ trả cao hơn chút đỉnh so với lương tối thiểu, chưa đúng nghĩa khái niệm về tiền lương. Theo định nghĩa thì tiền lương tối thiểu phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động. Nhưng tiền lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu chi tiêu cơ bản. Một bất cập khác là hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp tư nhân lại bám vào quy định tiền lương tối thiểu của Nhà nước để trả cao hơn không đáng kể so với mức sàn này. Do vậy, 80% vụ tranh chấp lao động là liên quan đến thu nhập và tiền lương. Nhiều ý kiến đề nghị, doanh nghiệp cần phải xem xét lại việc trả lương. Bởi tình trạng thiếu lao động tại khu vực phía Nam hiện nay là hậu quả của việc trả lương thấp.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách lương tối thiểu thiếu những quy định chặt chẽ nên doanh nghiệp dễ dàng lách luật và người lao động phải chịu thiệt. Nhưng đây là khía cạnh mà các cơ quan quản lý Nhà nước hầu như không thể can thiệp. Do vậy, Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tống Thị Minh nêu rõ: người lao động cần nâng cao kỹ năng thương thảo để có thể đạt được mức lương hợp lý. Nhà nước có thể hỗ trợ người lao động bằng cách cung cấp thông tin thị trường lao động, để người lao động có cơ sở thương lượng về mức lương của mình.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, lương tối thiểu quá thấp nên không đáp ứng được các nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động. Trong khi đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2008 đến nay luôn ở mức cao. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 9,64% so với tháng 12.2010. Dù vậy, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu chỉ có thể thực hiện trong chừng mực nhất định. Nên nếu không có giải pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả thì mỗi một lần điều chỉnh lương tối thiểu không có tác dụng tương xứng. Ngoài ra, giải pháp bền vững là tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh trước khi tính đến điều chỉnh lương tối thiểu. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, tăng lương không phải là giải pháp duy nhất để giữ chân người lao động. Quan trọng là có sự chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Theo lộ trình, đến năm 2012, lương tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ thống nhất một mức lương chung. Đây là lộ trình mà chúng ta đang cố gắng thực hiện. Nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc vào khả năng chi trả tài chính của doanh nghiệp. Ủy ban Về các vấn đề xã hội đang xây dựng đề án về Hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động. Trong đó có lấy ý kiến đóng góp của các bên: đại diện người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước với mục đích lành mạnh và minh bạch hóa các mối quan hệ lao động. Và yếu tố về tiền lương sẽ được xem xét và đánh giá một cách cụ thể, dựa trên cơ sở thực tế.

Thu Thùy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân