Tăng trưởng kinh tế: Lùi 1 bước để tiến 2 bước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cần chậm lại

“Việt Nam đang đối mặt với 4 khó khăn: thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng; lạm phát gia tăng; hệ thống ngân hàng yếu kém và việc thắt chặt hơn về thanh toán với bên ngoài (tỉ lệ dự trữ/nhập khẩu). Những thách thức này cần được giải quyết đồng thời để củng cố niềm tin trong và ngoài nước vào triển vọng phát triển của Việt Nam”, ông Bouchet cho biết.

Lạm phát tại Việt Nam liên tục gia tăng với tốc độ cao kể từ quý II/2010 và mức hiện nay là 13,9%, cao nhất trong khu vực châu Á. Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như giá nguyên liệu thế giới cao cũng như hệ quả của tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng nhanh.

Theo phân tích của ông Paul Gruenwald, trưởng kinh tế gia của Ngân hàng ANZ, áp lực lạm phát sẽ tăng lên trong năm 2011 do tác động tổng hợp từ giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng, cộng thêm việc giảm giá tiền đồng và quyết định tăng giá điện, giá nhiên liệu của Chính phủ.

Trong một hội thảo gần đây của Ngân hàng ANZ tại Hà Nội, ông Gruenwald đánh giá cao những biện pháp mạnh nhằm chống lạm phát (như thắt chặt tiền tệ) nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa. “Lãi suất phải được tăng thêm và tăng trưởng nên chậm lại một thời gian trước khi đạt lại mức tăng tiềm năng, bền vững”, ông nói.

Khuyến cáo của chuyên gia kinh tế từ ANZ giống với những kiến nghị gần đây của các chuyên gia kinh tế Việt Nam. Ngay từ đầu năm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết bà sẽ rất ngạc nhiên nếu việc điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm nay vẫn thiên về mục tiêu tăng trưởng hơn là ổn định vĩ mô. Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một lần trò chuyện với báo chí cũng bày tỏ lo ngại về chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao trong các phiên họp Chính phủ đầu năm, rồi sau đó lại phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Lời khuyên của ông Gruenwald có lẽ cần được các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô nhìn nhận như mục tiêu lớn nhất, cấp bách nhất phải đạt được trong năm nay, nếu không muốn lặp lại những bất ổn vĩ mô của năm trước.

Theo phân tích của ông Gruenwald, mức tăng trưởng khá cao của năm ngoái dù được duy trì nhưng đã phải trả một cái giá không rẻ. Biểu hiện rõ nhất là lạm phát 2 con số đã quay trở lại từ quý IV/2010, trở thành một thách thức lớn cho năm 2011.

Cũng theo ông Gruenwald, mặt trái của tốc độ tăng trưởng nhanh và chính sách tiền tệ nới lỏng mà Việt Nam theo đuổi thời gian qua là mức thâm hụt thương mại cao. Các dòng kiều hối tăng, thu nhập từ khu vực dịch vụ và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phần nào giảm nhẹ sức ép lên cán cân thanh toán. Nhưng lòng tin của người dân cũng như doanh nghiệp vào tiền đồng ngày càng yếu đi. Hai đối tượng này đã chuyển các khoản tài sản bằng tiền đồng sang giữ vàng và USD, hai kênh đầu tư và bảo toàn vốn được cho là an toàn hơn.

 Nhưng bao lâu là vừa?

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu trong nước, bao gồm chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đã kiến nghị Chính phủ hạ mức tăng trưởng GDP xuống còn 5% trong năm nay. Bà Lan cho rằng, mức 5% là hợp lý với hoàn cảnh hiện tại và cần duy trì tỉ lệ này liên tục trong 3-4 năm.

Tăng trưởng GDP ở mức 5% sẽ giúp giảm bội chi ngân sách xuống 3-3,5% và do đó, lạm phát sẽ hạ nhiệt theo. Nếu hoàn thành nhiệm vụ này, hàng loạt vấn đề khác đang tồn tại cũng được giải quyết, bao gồm cả cắt giảm đầu tư công – một nút thắt khác của nền kinh tế. “Phải chấp nhận một bước lùi rồi mới nghĩ đến tăng trưởng sau”, bà Lan nói.

Cần lưu ý tốc độ tăng trưởng 5% không nên được đặt ra như một chỉ tiêu cứng nhắc, trong trường hợp phương án này được Chính phủ thông qua. Bởi lẽ, theo bà Lan, cái gốc của nền kinh tế nằm ở mô hình tăng trưởng chứ không phải các con số. Nếu mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn đầu tư, trong đó chủ yếu là vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, được giải quyết, tốc độ tăng trưởng GDP có thể cao hơn 5% cũng không đáng ngại. Đã đến lúc Nhà nước cần đưa ra chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực tư nhân và FDI.

Một câu hỏi sẽ được đặt ra là cái giá phải trả nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5% là gì. Bà Lan cho rằng một trong những hệ quả lớn nhất là việc làm. Nhưng điều này không đáng lo ngại, bởi lẽ hiện nay khu vực tư nhân vẫn đóng góp lớn trong tạo công ăn việc làm cho xã hội. “Thà chấp nhận tăng trưởng 5% trong vài năm để giải quyết triệt để các vấn đề của nền kinh tế rồi sau đó quay lại mục tiêu, còn hơn loay hoay với bài toán tăng trưởng và ổn định vĩ mô”, bà Lan kết luận.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư