Tăng trưởng kinh tế: Lượng hay chất ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế trên, ông Hà Văn Hiền – Chủ Nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần tập trung vào 9 nhóm giải pháp: Thứ nhất, Tiếp tục thực hiện hợp lý chính sách kích thích kinh tế, có sự điều chỉnh thích hợp cả về phương thức và đối tượng theo hướng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, như tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường… Thứ hai: Tập trung bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng. Điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt với các giải pháp hướng tới cân bằng cán cân thanh toán, duy trì lãi suất và tỷ giá hợp lý để đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích xuất khẩu và duy trì dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn, có tính đến mục tiêu dài hạn. Thứ ba: Cần nghiên cứu, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng kinh tế trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh của nền kinh tế, đặt trong tiến trình hội nhập ngày một sâu rộng vào kinh tế toàn cầu để xây dựng phương án điều chỉnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó cần quan tâm đến các vấn đề lớn như: lựa chọn mô hình tăng trưởng; định hướng xây dựng và phân bổ nguồn lực cho các vùng kinh tế trọng điểm, làm đầu tàu cho toàn bộ nền kinh tế; thứ tự ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực để vừa bảo đảm đầu tư tập trung, vừa phát huy tính tự chủ của nền kinh tế, vừa phát huy lợi thế so sánh của VN tạo ra một vị trí thích hợp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu,…Thứ tư: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Khắc phục tình trạng bố trí phân tán, dàn trải các nguồn vốn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp lại DN nhà nước, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc cổ phần hóa DN nhà nước. Thứ sáu: Ban hành định hướng chính sách, quy hoạch chung về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước dựa trên lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển dài hạn của nền kinh tế, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương trong thu hút đầu tư. Thứ bảy: Có chính sách, giải pháp cụ thể để vừa tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, vừa phát triển, khai thác tốt thị trường nội địa. Thứ tám: Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến thực chất về thủ tục hành chính. Thứ chín:Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động khoáng sản, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trước mắt và lâu dài.

Với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, cùng với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2009 đạt trên 6,5% cùng với tác động của các chính sách kinh tế đã thực hiện trong năm 2009, tăng trưởng kinh tế cả năm 2010 có thể đạt ở mức cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Uỷ ban Kinh tế cho rằng: Trong điều kiện các cân đối vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa vững chắc, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện thì không nên quá tập trung vào tăng tốc độ tăng trưởng mà nên chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các mục tiêu xã hội đồng thời xác định năm 2010 là năm tạo tiền đề để xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Đông Hưng
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp