Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không theo kịp vốn, doanh thu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê về Chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2016 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng về quy mô vốn và doanh thu trong thời gian gần đây.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2015, tổng doanh thu theo giá hiện hành của khu vực doanh nghiệp đạt xấp xỉ gần 15.000 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000 – 2015, mỗi năm tăng 21,6%, cao hơn so với mức tăng 25,3% giai đoạn 2000 – 2010 và 14,2% giai đoạn 2010 – 2015. Tính chung, cả nước có tới 40 tỉnh và thành phố có tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm giai đoạn 2000 – 2015 đạt trên 20%, còn lại 23 tỉnh và thành phố có tốc độ độ tăng từ 12 – 20%.

Các khu vực có mức tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu bình quân hàng năm cao trên 30%/năm bao gồm Bắc Ninh, Bình Dương. Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Năm 2015, khu vực doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước 746.000 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 – 2015, mỗi năm khu vực này đóng góp cho ngân sách tăng 18,2%, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận.   

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê doanh nghiệp (Tổng cục Thống kê), điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng trong quy mô doanh thu của doanh nghiệp đang hiện hữu ngày càng rõ nét.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là quy mô doanh thu tăng, song mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2015 chỉ đạt 7,5%, giảm so với giai đoạn 2005 – 2010. Trong giai đoạn 2000 – 2015, mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 19%, thấp hơn so với mức tăng 22,8% của vốn và 21,6% của doanh thu.

Theo lý giải của ông Phạm Đình Thuý, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm là do hiệu quả sản xuất kinh doanh đi xuống trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2010 – 2015. Trong bối cảnh này, để hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, Chính phủ đã thực thi nhiều chính sách hạn chế, miễn giảm nhiều loại thuế và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó cũng khiến mức đóng góp của doanh nghiệp thấp về mặt thống kê.

 Bên cạnh đó, theo ông Thúy, cần thẳng thắn nhìn nhận một nguyên nhân khác là do sự sụt giảm về hiệu quả và sức khỏe của doanh nghiệp. Ước tính, mức tăng lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm tới 50% trong giai đoạn này.

“Chỉ số về lợi nhuận tăng trưởng thấp, ngược với xu hướng gia tăng về vốn và quy mô cho thấy một thực tế là nền kinh tế nói chung, cũng như hoạt động của các khu vực doanh nghiệp nói riêng tuy phát triển khá nhanh nhưng chủ yếu tăng trưởng về vốn, lao động. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp”, ông Thuý cho biết.

Chưa kể, tuy tăng trưởng về quy mô doanh thu nhưng hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Đây là thực tế cần được đánh giá nghiêm túc để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng tăng quy mô đồng thời với nâng cao hiệu quả, nghĩa là lợi nhuận gia tăng tỷ lệ thuận với quy mô doanh thu.

Một câu hỏi cũng được đặt ra là số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 tăng kỷ lục và tiếp tục xu thế leo dốc trong quý I/2017, tại sao GDP quý I vẫn tăng chậm? Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, số doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh tuy nhiều nhưng vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động nên chưa đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong khi đó, GDP quý I/2017 chủ yếu phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của quý trước.

“Cần có độ trễ để doanh nghiệp đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, một lý do chủ quan là phần lớn doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ nên tác động đến tăng trưởng chưa đáng kể”, ông Phan Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Một giải pháp được ông Nguyễn Hồng Long, thuộc Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp đưa ra để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là tăng năng lực về công nghệ thông qua hoạt động đầu tư phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, theo ông Long, trong khối ASEAN có nhiều cơ chế hợp tác theo hướng giảm thuế suất. Đây được coi là một trong những cơ chế để nuôi dưỡng doanh nghiệp một cách hiệu quả. Việt Nam cần tận dụng được các lợi thế từ cơ chế này để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh doanh.  

Hiếu Minh 
Nguồn: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/tang-truong-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-khong-theo-kip-von-doanh-thu-184166.html