Tạo thói quen sử dụng luật cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng luật

Trong năm 2011, nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát tại 4 bộ (Tài chính, Công thương; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền Thông); 12 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Nội…) và 4 tổ chức đại diện cho doanh nghiệp với gần 8.000 phiếu gửi tới đối tượng là công chức nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, ở cấp bộ chương trình phổ biến các luật và nghị định hướng dẫn thi hành đạt được chất lượng cao, các doanh nghiệp và người dân nắm vững pháp luật (có tới 72% cán bộ, công chức nắm bắt chi tiết các nội dung, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo NĐ 66/2008. Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phần lớn các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời, là cơ sở pháp lý tạo sự chuyển biến tích cực cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Quyết định 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 – 2014 (sau đây gọi là chương trình 585) được triển khai chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước (190 tỷ đồng). Chương trình nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, các cơ quan chức năng cũng chưa nắm được nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Mặc dù đã triển khai đồng thời 3 dự án (hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể; tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp) nhưng mới chỉ dừng lại ở… đánh giá, khảo sát thực trạng; thậm chí có nơi doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và  nhỏ) không biết đến sự tồn tại của chương trình; vai trò của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành chưa thể hiện rõ trong các văn bản liên quan đến việc điều hành hoạt động của chương trình…

Điều đáng quan tâm là sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn tại địa phương, các bộ, tổ chức đại diện vẫn còn hạn chế nên các chương trình hỗ trợ pháp lý còn dàn trải, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ. Mỗi địa phương phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, tầm nhìn của lãnh đạo, nên có nơi dành kinh phí, bố trí người, có nơi không có hoạt động gì ngoài trang thông tin không được cập nhật thường xuyên. Mặt khác, công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng bị vướng bởi các quy định trong Nghị định 66. Chẳng hạn, tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định 66, việc giải đáp pháp luật quy định không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi phát sinh khó khăn, tranh chấp doanh nghiệp mới đòi hỏi quy định của pháp luật và cách thức giải quyết.

Tạo chiếc cầu pháp lý cho doanh nghiệp

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế. Theo khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  của VCCI trong vòng 6 năm qua thì một trong những chỉ số có điểm số thấp nhất là chỉ số minh bạch. Các doanh nghiệp cho rằng khả năng tiếp cận tới các thông tin pháp lý còn hạn chế. Năm 2010 có tới 78% số doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin kinh doanh, trong đó có thông tin pháp luật. Kết quả năm 2011, minh bạch thông tin pháp luật và tuyên truyền pháp luật của 14 bộ chỉ đạt ở mức trung bình so với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Thực tế, chương trình 585 hiện còn vướng vào những vấn đề muôn năm cũ từ hệ thống văn bản QPPL, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp… đến nguồn tài chính từ ngân sách dành cho chương trình, sự phối hợp của các sở, ngành chuyên môn. Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương Nguyễn Anh Sơn cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, với số lượng lớn, liên tục sửa đổi, bổ sung nên việc phổ biến cần phải thực hiện thường xuyên, trong khi đó đội ngũ cán bộ, chuyên trách thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu vẫn kiêm nhiệm. Từ đó cho thấy, để chương trình 585 thực sự là chiếc cầu pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân thì cần chuỗi các giải pháp đồng bộ từ việc sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan, nhất là về vấn đề phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan; sớm hình thành đội ngũ tư vấn pháp lý tại các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức (Liên minh Hợp tác xã, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp…); hoàn thiện, thường xuyên cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan… Chương trình chỉ thực sự có ý nghĩa khi doanh nghiệp thấy được những lợi ích từ chương trình, bản thân chương trình phải có những giá trị pháp lý thiết thực để doanh nghiệp, doanh nhân tìm đến.

Nhận thức về vai trò của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đại bộ phận chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh (trình độ hiểu biết pháp luật ở mức thấp và trung bình là 89%; ý thức chấp hành pháp luật ở mức thấp và trung bình lên tới 94%) – nguồn kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân