Tác động của chính sách tiền tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau gần 1 năm triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tiêu biểu là Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ và một loạt gói giải pháp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), về cơ bản đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, lạm phát đã có xu hướng hạ nhiệt kể từ tháng 8/2011 và duy trì mức tăng dưới 1%. Đặc biệt, tháng 1/2012, mặc dù là tháng cao điểm của Tết Nguyên đán, nhưng chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ ở mức 1%.

Năm 2012 được xem là năm nền tảng và quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2015 của Chính phủ. Về chính sách tiền tệ, năm 2012, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 15 – 17% và được phân bổ theo từng nhóm ngân hàng. Mặc dù chủ trương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhưng NHNN cũng đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, thành phần quan trọng mạng lại giá trị vật chất cho xã hội. Theo đó, NHNN xác định 4 lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ lãi suất, bao gồm: sản xuất nông nghiệp – nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ; DN nhỏ và vừa. Động thái gần đây nhất là việc NHNN đưa ra thông báo về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Thông tư 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010 của NHNN đối với một số tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank, Ngân hàng TMCP Mê Kông… Đây là một trong những giải pháp nhằm giúp các tổ chức này có thể hỗ trợ DN sản xuất vay với mức lãi suất thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, với mức cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại (17 – 19%/năm đối với kinh doanh ngắn hạn và 20 – 25%/năm đối với kinh doanh trung và dài hạn), đây vẫn là mức cho vay quá cao so với sức sản xuất chung của nền kinh tế.

Theo báo cáo của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán, mặc dù doanh thu vẫn có xu hướng tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế của các DN lại có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, các DN càng đầu tư, càng kinh doanh càng lỗ.

Theo quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần thiết phải giảm lãi suất cho vay thêm 4 – 5 điểm phần trăm, mới có thể giúp nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. Theo đó, nếu giảm lãi suất ở mức kể trên, thì có thể làm giảm khoảng 100.000 tỷ đồng chi phí sản xuất cho đầu vào và giá thành.

Trong khi đó, theo quan điểm của NHNN, muốn giảm lãi suất trong năm 2012, cần đảm bảo song song 2 mục tiêu. Đó là, lạm phát tăng ở mức thấp ổn định, đồng thời phải giải quyết được khó khăn của các ngân hàng thương mại yếu kém, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản. Về lạm phát, nếu tiếp tục kiên trì thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11/2011/NQ-CP, thì lạm phát có thể tăng quanh một con số. Các tổ chức tài chính quốc tế dự đoán lạm phát trong năm 2012 của Việt Nam sẽ tăng 8 – 8,5%, trong khi người đứng đầu NHNN dự đoán con số này khoảng 9 – 9,5%.

Với tình hình hiện nay, năm 2012, nguồn vốn huy động quan trọng nhất của các doanh nghiệp vẫn là từ ngân hàng, do vậy, DN cần chủ động lập kế hoạch tốt, quan hệ hợp tác với ngân hàng để có được vốn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn thứ hai là từ mua trả chậm nhà cung cấp, hoặc yêu cầu khách hàng ứng trước. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ gặp khó khăn trong năm nay, vì doanh nghiệp nào cũng đang gặp khó khăn về vốn. Do vậy, DN cần tạo uy tín về thanh toán đúng hạn, phân nhỏ chu kỳ mua chịu, hoặc cung cấp hàng để sử dụng tốt nguồn vốn này.

Nguồn vốn thứ ba chính là sự chủ động cắt giảm các nhu cầu kinh doanh thứ yếu, giảm – phân kỳ nhu cầu đầu tư, nỗ lực rút ngắn chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong từng phân khúc để giảm nhu cầu vốn lưu động.

Ngoài ra, để có được nguồn vốn ổn định, tạo nền tảng sức mạnh tài chính cho công ty trong giai đoạn mới của nền kinh tế, DN cần chủ động phát triển cấu trúc vốn mình theo hướng cổ phần đại chúng, hoặc tìm đối tác đầu tư tài chính dài hạn. Muốn vậy, doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược phát triển kinh doanh khả thi và có hiệu quả để thu hút được nguồn vốn này.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử