Thí điểm cơ chế kiểm soát văn bản liên quan đến người dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kịp thời xử lý những quy định gây bức xúc

Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành Tư pháp đã tiến hành thẩm định 4.148 VBQPPL. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã thẩm định 329 văn bản, trong đó có 21 điều ước quốc tế, đặc biệt Bộ Tư pháp đã tập trung nguồn lực thẩm định theo thủ tục rút gọn 41 VBQPPL cụ thể hóa các giải pháp đã được nêu trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng thẩm định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Tư pháp đã thẩm định 2.202 VBQPPL, phòng Tư pháp cấp huyện đã thẩm định 1.622 VBQPPL.

Ngoài ra, qua kiểm tra gần 252 nghìn VBQPPL, đã phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ- CP về việc kiểm tra, xử lý VBQPPL, trong đó có 528 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền. “Tình hình xử lý văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp đã có chuyển biến, một số cơ quan ban hành văn bản đã chủ động phối hợp xử lý kịp thời, nhất là những quy định gây bức xúc trong xã hội” – Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định.

Điển hình là trước sự không đồng tình của dư luận xã hội với nội dung Thông tư 06, trong đó có quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm phải đáp ứng khoảng trên 10 tiêu chí, như có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu; có cấu tạo 3 bộ phận; kiểu dáng; đã được chứng nhận hợp quy…, Bộ Tư pháp đã kịp thời “lên tiếng”.

Theo Bộ Tư pháp, do quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không được tốt, nên có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn, người dân rất khó phân biệt, thậm chí cũng rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông. Do đó, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục. Nhờ thế, các Bộ ký Thông tư 06 đã thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Thí điểm cơ chế kiểm soát văn bản liên quan đến người dân

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chất lượng thẩm định trong một số trường hợp vẫn còn thiếu sự gắn kết với thực tế phát triển của kinh tế – xã hội, chưa có cơ chế kiểm soát tập trung chất lượng thông tư và thông tư liên tịch; tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định VBQPPL còn hạn chế, nhất là việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch. Công tác kiểm tra văn bản thì chưa chủ động, chưa phát hiện kịp thời một số văn bản có nội dung trái pháp luật; việc xử lý văn bản trái pháp luật còn thiếu kiên quyết…

Vì vậy, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định VBQPPL, chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm cơ chế kiểm soát hoạt động xây dựng và ban hành thông tư, thông tư liên tịch trong những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung nguồn lực tổ chức thẩm định các VBQPPL cụ thể hóa các giải pháp đã được nêu trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức vào công tác thẩm định; tiếp tục triển khai thực hiện việc thẩm định đối với một số VBQPPL theo hình thức Hội đồng thẩm định.

Đối với tình trạng một số các cơ quan ban hành văn bản không tự giác kịp thời thực hiện việc tự xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật trong thời hạn luật định khiến các văn bản này vẫn có thể được thi hành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thu Hòe cho hay: Theo quy định hiện hành, các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đều được Cục tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan đã ban hành cùng bàn bạc có biện pháp xử lý, theo dõi, đôn đốc trong thời gian 30 ngày, từ ngày nhận được thông báo.

Trong trường hợp nếu các cơ quan bị phát hiện không tự xử lý thì Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp xử lý theo thẩm quyền là đình chỉ văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Tuy nhiên, thường thì các cơ quan ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cũng tự đình chỉ văn bản để nội dung sai không phát huy hiệu lực trong thực tiễn dù việc xử lý có hiện tượng chậm như trường hợp dừng phát hành Thông tư 06 nêu trên.

Hoàng Thư
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử