“Thí điểm độc nhất” để… độc quyền?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những động thái mới đây của Bộ GTVT bị các chuyên gia cho rằng là bất thường, triệt tiêu cạnh tranh…

Thí điểm hay bảo trợ độc quyền?

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các bộ ngành liên quan và 7 tỉnh/thành phố phát triển mạnh về du lịch (gồm Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang và TP HCM) nhằm thực hiện Dự án Cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng ô tô. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị các bên phối hợp với Cty Hải Vân thực hiện thí điểm dự án trong 5 năm, tại 7 tỉnh thành trên. Dự án gồm hai hạng mục: Cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ôtô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc và dịch vụ vận chuyển khách kết nối từ trung tâm đô thị đến cảng hàng không.

Bình luận về động thái này của Bộ GTVT, LS Trương Thanh Đức cho rằng, đã đến lúc phải có quy định cụ thể đối với từ “thí điểm”. Một mô hình mới đi vào hoạt động có thể cho “thí điểm”, nhưng hiệu quả, tác động… phải được tổng kết đánh giá theo một thời gian phù hợp, rồi cho phép mở rộng kinh doanh hay không phải được thông báo công khai.

Với một mô hình kinh doanh vận tải như nói ở trên mà cho 1 DN “thí điểm” thời gian 5 năm, trên 7 thành phố là giúp DN đó tạo thế độc quyền trên thị trường. Rõ ràng hết thời gian “thí điểm” thì cơ hội để các DN khác tham gia chiếm thị phần còn rất nhỏ. Đây là một sự bất bình đẳng trong kinh tế thị trường – LS Đức phân tích.

Với một mô hình kinh doanh vận tải như nói ở trên mà cho 1 DN “thí điểm” thời gian 5 năm, trên 7 thành phố là giúp DN đó tạo thế độc quyền trên thị trường.

Thời gian qua, người dân và DN đã “dị ứng” với từ “thí điểm”. Chỉ nhìn vào câu chuyện thí điểm Grab và Uber do Bộ GTVT chủ trì cũng khiến cả xã hội đặt ra bao câu hỏi. Cả hai DN này cùng kinh doanh một mô hình vận tải qua mạng, nhưng Bộ GTVT lại cho 1 DN tiếp tục còn 1 thành bất hợp pháp. Khi mọi việc không được công khai minh bạch thì rất dễ trở thành cơ chế xin – cho.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia thuộc Ban Pháp chế – VCCI nhận xét, nếu mô hình kinh doanh mới trên một đoạn đường, khu vực thuộc một quận, huyện nào đó thì có thể cho 1 DN “thí điểm”. Quy mô thí điểm rộng và thời gian thì quá dài như vậy không nhất thiết chỉ cho 1 DN “thí điểm”. Bởi vì, nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và kết quả của đợt “thí điểm” đó. Khi một DN độc quyền thì chất lượng dịch vụ chắc chắn sẽ ảnh hưởng thay vì cho nhiều DN cùng tham gia “thí điểm”.

Liệu có lợi ích nhóm?

Trong một nền kinh tế thị trường thì cơ quan quản lý không nên chỉ định một DN nào đó được cung cấp dịch vụ. Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, chỉ định cung cấp dịch vụ là cơ hội để lợi ích nhóm thâm nhập. Độc quyền thì ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân phải chịu thiệt. Do đó, trong một số trường hợp nếu chỉ cần một DN cung cấp dịch vụ thì phải đấu thầu. Còn lại cho các DN tự do cạnh tranh.

Vận chuyển hành khách bằng ôtô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc và dịch vụ vận chuyển khách kết nối từ trung tâm đô thị đến cảng hàng không là những dịch vụ nhiều DN có thể thực hiện được. Đây là những dịch vụ không phải quá khó khăn gì nên thật vô lý nếu chỉ định 1 DN được cung cấp.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh thì cho rằng, dự án trên có dấu hiệu “bất thường”. Một dự án chỉ cho phép một DN thí điểm trên diện rộng, thời gian dài là cần phải xem xét lại. Khi thông tin về việc cung cấp các dịch vụ nói trên được truyền tại rộng rãi tới các thành viên trong Hiệp hội, nếu DN nào có ý muốn đầu tư cung cấp dịch vụ thì Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Bộ GTVT và Chính phủ.

Người dân và DN đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với cơ quan quản lý nhà nước trước những quyết định hành chính đảm bảo cho quyền lợi của một tổ chức, cá nhân nào đó. Đặc biệt, khi mà họ nhìn thấy việc bảo hộ quyền lợi trên ảnh hưởng đến các nguyên tắc bình đẳng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.

 Bá Tú  
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp