Tham gia FTA Việt Nam – EU: Lưu ý tới khả năng cạnh tranh gay gắt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi góp ý về việc đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU, đã cẩn trọng đề nghị các cơ quan chức năng chú ý tới quy định về xuất xứ (C/O). “Kể cả mặt hàng dệt may được hưởng thuế suất ưu đãi là 0%, nhưng nếu quy định về C/O chặt chẽ thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp tận dụng được ưu thế”, ông Đạo nói tại hội thảo lần đầu tiên được VCCI tổ chức để lấy ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề này.

Theo ông Đạo, việc tính toán kỹ thời điểm đàm phán sẽ giúp các cơ quan quản lý có thời gian để nghiên cứu tác động của FTA này tới các ngành, cũng như cân đối lợi ích giữa các nhóm ngành bởi nguyên tắc đàm phán các FTA là “có đi có lại”.

Đại diện Hiệp hội Sản xuất chế biễn gỗ và lâm sản cho biết, mức thuế suất với ngành xuất khẩu gỗ khi được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cũng tương đương mức thuế suất nếu FTA được thiết lập giữa EU và Việt Nam. “Tuy nhiên, nếu FTA được hình thành, mức thuế được hưởng sẽ ổn định và các doanh nghiệp không phải lo ngại EU xếp mình vào diện đã “tốt nghiệp” GSP như họ vẫn thường làm”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội đặt vấn đề.

Tại Hội thảo FTA Việt Nam – EU, cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp FDI được tổ chức tuần trước tại Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư đã chỉ ra rằng, việc lựa chọn thời điểm để Việt Nam tham gia đàm phán chính thức FTA với EU cần được tính toán cụ thể. Lý do là, Việt Nam đang tiến hành đàm phán FTA với một số đối tác khác, nên cần có thời gian để cân đối các lợi ích trong các FTA, cũng như giữa các nhóm ngành hàng khác nhau.

Sở dĩ các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị cần lưu ý tới thời điểm chính thức tiến hành đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU là bởi những tác động mà hiệp định này mang lại với cả hai bên, nhất là với Việt Nam, đều đang ở mức dự đoán. Hơn nữa, ở khía cạnh thương mại, xu hướng xuất siêu sang EU của Việt Nam giảm trong những năm gần đây khiến tính toán này càng trở nên cần thiết.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) từng nói rằng, nếu một FTA được thiết lập giữa Việt Nam và EU, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới khả năng phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp mới gia nhập EU đến từ Đông Âu, có cơ cấu sản xuất và trình độ sản xuất không khác nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam. “Hàng loạt sản phẩm công nghiệp chế biến của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp EU ngay tại Việt Nam”, ông Cường nói.

Có một chi tiết đáng chú ý trong việc xây dựng các nội dung liên quan tới việc chuẩn bị đàm phán FTA này là các cơ quan của EU đóng vai trò rất tích cực tại Việt Nam. Nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức thông qua sự hỗ trợ chuyên môn từ các dự án của EU tại Việt Nam. Phía EU rất mong muốn thiết lập FTA với Việt Nam, nên các doanh nghiệp rơi vào tâm lý “ngại” chưa muốn phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp đến từ châu Âu, dù đã được “động viên” rằng, cơ cấu sản xuất của hai bên là bổ sung, chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do đó, việc lựa chọn thời điểm để chính thức khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU sẽ còn được cân nhắc kỹ.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử