Thận trọng các kế hoạch kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tâm lý thận trọng và không lạc quan vào thị trường phủ lên nhiều DN. Họ không trông chờ quá nhiều vào sự cải thiện các chính sách, mỗi DN đều có chiến lược riêng để tồn tại trong giai đoạn được cho là tiếp tục khó khăn năm 2013.

DN tự tìm lối đi riêng

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, kế hoạch năm 2013 chỉ tăng 5% và đặc biệt là ổn định về giá cả. Hầu như các DN sản xuất, nhà bán lẻ trong năm 2013 vẫn tạo các giải pháp kích cầu chủ yếu là khuyến mãi. Vissan sẽ rà soát toàn bộ chi phí để cố gắng giảm giá thành, xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ trên cả nước, tăng độ phủ hàng hóa, đặc biệt nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại các thành phố, Vissan hoàn thiện nhận diện các cửa hàng giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp hiện đại, tiện lợi hơn.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food, dự đoán vẫn còn nhiều khó khăn, công ty đã chuẩn bị kế hoạch để đương đầu. Năm nay không đặt nặng phát triển bề rộng và lợi nhuận mà củng cố nội lực để giữ được thị trường, sản xuất ổn định. “Khoảng đầu quý II chúng tôi sẽ đưa phân xưởng thứ ba vào hoạt động chi phí đầu tư gần 100 tỉ đồng, sản lượng 2.000-3.000 tấn/thực phẩm/năm” – bà Lân chia sẻ.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết công ty sẽ duy trì kế hoạch an toàn, quản trị an toàn, không lạc quan dựa trên sự tăng trưởng của những con số từ các công ty nghiên cứu thị trường. Công ty tập trung vào thị trường ASEAN+1.

Kỳ vọng kinh tế khởi sắc

Nhiều DN cho biết hiện nay lãi suất ngân hàng còn quá cao với các nước trong khu vực, làm cho sản phẩm xuất khẩu mất tính cạnh tranh. Các gói giải pháp trong thời gian qua của Nhà nước còn mang tính đối phó. Ví dụ khi điều chỉnh việc tăng lương cho công nhân, kéo theo hạch toán vào giá thành sản phẩm tăng, giá bán cũng tăng; hay giá xăng dầu tăng, kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác tăng. Bên cạnh đó, những biến động liên tục về giá điện, nước, xăng dầu… làm DN khó lòng xoay trở… Vì vậy, Nhà nước cần phải nghiên cứu những hệ lụy kéo theo mỗi khi có quyết định điều chỉnh.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, năm 2013 sức mua vẫn không tăng và để phát triển cần tăng sức mua. Nhà nước cần làm sao để thúc đẩy sự lạc quan tiêu dùng như đẩy mạnh tín dụng, miễn thuế, giảm thuế…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, năm 2013 nguyện vọng của DN ổn định kinh tế vĩ mô làm thế nào đừng biến động về giá, lạm phát giảm xuống, nâng sức mua của thị trường.

TÚ UYÊN
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM