Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thay đổi thói quen

Hai năm qua, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt cho việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối năm 2013, trên 15 nghìn máy rút tiền tự động (ATM) và trên 129 nghìn điểm chấp nhận thẻ (POS) và thiết bị chấp nhận thẻ (EDC) được lắp đặt (tăng lần lượt 7% và 24% so với cuối năm 2012). Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo triển khai hoàn thành kết nối liên thông mạng lưới POS trên toàn quốc; xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới thanh toán thẻ qua POS giai đoạn 2014 – 2015. Cũng trong năm ngoái, trên 28 triệu giao dịch và trên 120 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 34% và 26% so với năm 2012, tăng 77% và 56% so với năm 2011), riêng giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ chiếm trên 91%.

Hầu hết các tổ chức tín dụng đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Bên cạnh việc phát triển và mở rộng các phương thức truyền thống như ủy nhiệm chi (lệnh chi), ủy nhiệm thu (nhờ thu), nhiều dịch vụ, phương thức mới, hiện đại, tiện lợi và tiện ích dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống như thẻ ngân hàng, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, ví điện tử.

Trong số này, ủy nhiệm chi là phương tiện thanh toán được ưa chuộng sử dụng nhiều nhất trong nhiều năm qua, chiếm tỷ lệ cao so với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác. Việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, đặc biệt là thanh toán qua internet, đã đạt được kết quả ấn tượng, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn, số lượng và giá trị giao dịch tăng cao (tăng tương ứng 83% và 42% so với năm 2012), tạo thêm kênh thanh toán mới, thuận tiện và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà cung cấp hàng hóa và cả ngân hàng.

Đáng chú ý, thẻ ngân hàng tiếp tục là phương tiện thanh toán đa dụng, tiện ích, được các tổ chức tín dụng chú trọng phát triển. Đến cuối năm 2013, số lượng thẻ phát hành đạt trên 66 triệu thẻ (tăng 22% so với cuối năm 2012 và tăng 60% so với cuối năm 2011); số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng lần lượt 25% và 43 % so với năm 2012. Đến nay, NHNN cũng đã cho phép 9 tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện thí điểm dịch vụ ví điện tử thông qua 33 tổ chức tín dụng. Đến cuối năm ngoái, tổng số ví điện tử phát hành đạt trên 1,84 triệu; lượng giao dịch đạt 45,3 triệu với giá trị 23,3 nghìn tỷ đồng.

ATM bớt bị phàn nàn

NHNN chi nhánh tại các tỉnh, thành phố tiếp tục mở rộng dịch vụ trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg. Đến nay, đã có trên gần 57 nghìn đơn vị hưởng lương từ NSNN (chiếm trên 65%) thực hiện trả lương qua tài khoản với 1,9 triệu cán bộ công chức, chưa kể những đối tượng nằm ngoài phạm vi của Chỉ thị này.

 Các tổ chức tín dụng cũng quan tâm phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân, đến cuối năm 2013 đã đạt trên 46,7 triệu tài khoản với số dư trên 115 nghìn tỷ đồng (so với mức 5 triệu tài khoản và số dư 20.000 tỷ đồng của năm 2005). Việc phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân đã góp phần nâng cao khả năng thu hút vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Một số tổ chức tín dụng bước đầu triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm thông qua tài khoản tại ngân hàng.

Đối với dịch vụ ATM, NHNN đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, rà soát, bổ sung các quy trình, quy định cần thiết trong lắp đặt, sử dụng ATM; phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố phát sinh. Nhìn chung, chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho người sử dụng đã được cải thiện; giảm bớt tình trạng phàn nàn từ phía khách hàng.

Phương thức phối hợp thu NSNN qua tổ chức tín dụng tiếp tục được chú trọng và tăng cường, loại hình giao dịch đa dạng; đến nay có gần 700 đơn vị Kho bạc Nhà nước cấp huyện tham gia.

Các tổ chức tín dụng đã quan tâm đến việc giải ngân vốn vay bằng chuyển khoản trực tiếp cho người bán hàng hóa, vật tư, dịch vụ cho khách hàng vay vốn thụ hưởng. Đây là biện pháp quan trọng hỗ trợ kiểm tra, giám sát được mục đích sử dụng vốn vay và tiến độ giải ngân, giảm dần mức độ sử dụng tiền mặt trong giải ngân tín dụng ngân hàng. Đến nay, đối với các khách hàng lớn là doanh nghiệp, tổ chức, trên 98% giao dịch thanh toán dưới hình thức chuyển khoản đã được thực hiện qua ngân hàng.

Xuân Thanh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân