Thất nghiệp – thách thức của năm 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mất việc gia tăng

Trong thông báo gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, Công ty TNHH Sambu Vina Sport cho biết sẽ giảm 224 lao động kể từ ngày 11-1-2009.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã thông báo về việc cắt giảm lao động như Công ty Sony Việt Nam, Công ty liên doanh RSC, Công ty TNHH Castrol BP Petco, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam, Công ty TNHH tư vấn thiết kế Liên hiệp Quốc tế… với tổng số lao động bị mất việc trên 1.000 người.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, sở có yêu cầu 2.000 doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng lao động trong năm 2008 nhưng kết quả chỉ có 461 doanh nghiệp phản hồi.

Theo tổng hợp của sở, tổng số lao động đầu năm của 461 doanh nghiệp này là 170.737 người, trong năm tăng 56.359 người nhưng sau đó giảm 51.947 người.

Điều đáng chú ý là số lao động giảm do mất việc chiếm tới 67,75% trong tổng số lao động giảm; và chiếm 20,56% so với tổng số lao động có mặt đầu năm.

Các báo cáo cho thấy hầu hết người lao động mất việc rơi vào những tháng cuối năm, do nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Lý do mất việc của người lao động được ghi trong các báo cáo của doanh nghiệp là “không có đơn hàng”, “giảm đơn hàng”, “công ty cơ cấu lại tổ chức, thu hẹp bộ máy do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn”, “công ty giải thể xí nghiệp may trực thuộc do hoạt động kinh doanh thua lỗ”…

Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 12 đã có 21 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể với số lao động mất việc lên đến trên 6.000 người.

Thậm chí có một số doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ lương công nhân, chủ doanh nghiệp phải bỏ trốn như Công ty TNHH Quang Sung Vina (Gò Vấp), Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industries (quận 8), Công ty TNHH một thành viên Công nghệ may mặc Việt Nam (Thủ Đức)…

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM thì có gần 2.000 lao động (của hơn 30 doanh nghiệp) ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp và hơn 2.000 lao động (của hơn 20 doanh nghiệp) trong khu chế xuất – khu công nghiệp bị “cắt giảm”.

Như vậy, nếu cộng lại, sơ bộ cũng đã có hơn 10.000 người mất việc làm.

Trước tình hình kinh tế hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại thất nghiệp sẽ là thách thức lớn của nền kinh tế năm 2009.

Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể thu hẹp sản xuất, đã gửi thông báo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong danh sách doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động gửi đến sở này, phần lớn có thời điểm cắt giảm là ngày 31-12-2008. Đó là chưa nói đến tình trạng cắt giảm lao động cũng đang xuất hiện ở các đô thị khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương…

Trông vào gói kích cầu!

Tăng trưởng GDP Việt Nam giảm từ 8,5% năm 2007 xuống còn 6,23% năm 2008. Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, GDP giảm 2 điểm phần trăm thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 1%.

Cả nước hiện có khoảng 44 triệu người trong độ tuổi lao động, chưa kể 1,7 triệu người đến tuổi lao động cần có việc làm trong năm 2009.

Vì vậy, để ngăn chặn nạn thất nghiệp lan tràn cần phải sớm vực dậy nền kinh tế.

Hàng ngàn doanh nghiệp, hàng chục ngàn lao động cũng đang trông chờ vào gói kích cầu của Chính phủ để bảo đảm việc làm, ổn định cuộc sống.

Theo Đá Bàn
TBKTSG