Thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp không kịp thích ứng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nghị định, Thông tư “vênh” Luật?

 Nhóm nghiên cứu Thuế thuộc VBF cũng chỉ rõ, không có bằng chứng chứng minh vì sao tỷ lệ tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt  7% là hợp lý. Hơn nữa, Luật Quản lý thuế hiện hành và Thông tư 66 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết đã có quy định để loại trừ khả năng chuyển giá đối với các công ty thương mại có quan hệ mẹ – con hoặc con cùng mẹ với cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu. Trong khi đó, quy định tại Nghị định 108 và Thông tư 95 thể hiện Chính phủ muốn kiểm soát trực tiếp lợi nhuận, cũng như can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan và điều này trái với “định hướng thị trường”.

Tại Kỳ họp 11, QH đang xem xét sửa đổi việc tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên thêm 5%/năm (có hiệu lực từ 1.1.2016) trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, thì Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với Nghị định 108 và Thông tư 195, mục tiêu ban đầu của Bộ Tài chính là nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến việc có doanh nghiệp thời gian gần đây đã lập ra nhiều cấp độ công ty thương mại, mà theo quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước, thì việc làm này tiềm ẩn sự không minh bạch trong hoạt động kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các quy định mới trong Nghị định 108 và Thông tư 195 không những không giải quyết được vấn đề nêu trên mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, cũng như toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh bia. Đại diện nhóm công tác Thuế thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây liên quan đến chính sách về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt gây tác động lớn tới các ngành hàng bia, rượu vang và rượu mạnh, thuốc lá. Bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới có hiệu lực từ đầu năm 2016, đã ngay lập tức thay đổi đột ngột về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt tại hai văn bản hướng dẫn thi hành luật, khiến các ngành chịu ảnh hưởng không kịp thích ứng.

Nghị định 108 và Thông tư 195 có các quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được quy định ở các luật thuế hiện hành. Cụ thể là, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014. Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế mới luật hóa các quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đang được quy định trước tại các văn bản dưới luật kể trên.

Doanh nghiệp lo lắng

Từ khi Nghị định 108 và Thông tư 195 được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 10 và tháng 12.2015, doanh nghiệp, Hiệp hội và các tổ chức nước ngoài đã nhiều lần lên tiếng lùi thời gian có hiệu lực, thay vì 1.1.2016 sang 1.1.2017, để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị cũng như để Bộ Tài chính có thời gian xem xét và cân nhắc đưa ra giải pháp cân bằng hơn.

Theo ông Lê Hồng Xanh, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), việc áp dụng Nghị định 108, Thông tư 195 sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì khiến doanh nghiệp phải đóng thêm hàng nghìn tỷ đồng thuế trong năm 2016. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Linh, thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho biết, thời gian từ khi ban hành Nghị định, Thông tư đến khi có hiệu lực quá gấp gáp, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ khó hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.

Mới đây, trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tại trụ sở Bộ, lãnh đạo Bộ Tài chính đã thừa nhận những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp trong thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 khi hai văn bản này được ban hành quá gấp gáp đối với ngành đồ uống. Hai văn bản này cũng được ban hành khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc tuân thủ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế vốn được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp ngay từ Kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, Quốc hội đã “thận trọng” lùi lại để Kỳ họp thứ 11 này xem xét thông qua để có thời gian đánh giá tác động của các luật mới được sửa đổi. Quốc hội đã cân nhắc việc sửa đổi để có lợi cho đất nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, thì tại sao Chính phủ và Bộ Tài chính lại gấp gáp như vậy?

Minh Quân
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân