Thế giới nhỏ lại – doanh nghiệp nhỏ phải lớn lên
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nền kinh tế số tại Việt Nam được đánh giá đang hội tụ nhiều cơ hội. Thông tin được các chuyên gia tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số, DN nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng”, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 2.11 đưa ra thật ấn tượng: Một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet, tốc độ phát triển công nghệ thông tin, viễn thông và điện thoại di động của Việt Nam thuộc những nước nhanh nhất khu vực và trên thế giới, 43% người tiêu dùng Việt Nam thông qua quảng cáo trực tuyến để tìm hiểu và mua sản phẩm.

Ở góc độ tích cực khác của “nền kinh tế số”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI dẫn báo cáo “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong DN và cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam” của VCCI cho biết, năm 2015, có tới 95% DN Việt Nam đã sử dụng internet. Những DN ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn. “Dù vậy, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện còn chưa hiệu quả chiếm tới 59%; chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN về công nghệ…”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Thật dễ hiểu khi ông Matthew Heller, Giám đốc kênh bán hành của Google APAC chia sẻ, chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động bởi Việt Nam là nước có kết nối di động cao, với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, trong khi chỉ có 46% sở hữu máy tính cá nhân. Người Việt sử dụng điện thoại thông minh cho nhiều hoạt động khác nhau như tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng. “Trong thời đại internet “cố định”, chúng ta thường hay dùng từ “lên mạng”. Đặc biệt ở Việt Nam, đang chứng kiến một hiện tượng mới là điện thoại thông minh được sử dụng liên tục suốt cả ngày. Bây giờ người ta không còn “lên mạng” nữa, mà người ta “sống trên mạng”, ông Matthew Heller nói. Và ông bộc bạch, cách đây 20 năm, các DN không thể kham nổi việc quảng cáo trên quy mô toàn cầu. Ngày nay, với các công cụ như Google AdWords, các DN có thể tiếp thị sản phẩm không chỉ trên khắp cả nước mà còn trên phạm vi toàn cầu, tới tận từng thiết bị mà người tiêu dùng lúc nào cũng mang theo bên mình. Song, đa số các DN nhỏ và vừa vẫn chưa có cách thức hiệu quả trong việc tiếp cận khách hàng qua internet.
 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc từng  trăn trở, mặc dù đang “sở hữu” nhiều chỉ báo quan trọng, nhưng mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của Việt Nam còn rất thấp và hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu năm 2015, Việt Nam xếp thứ 85/143 nền kinh tế thế giới về mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số. Trong khu vực, Việt Nam thua Singapore, Thái Lan, Philippines. “Thế giới đánh giá cao những tiềm năng phát triển của Việt Nam, tuy nhiên, tiềm năng không tự biến thành thực tiễn”, Chủ tịch VCCI nói.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 cánh của ngôi sao đang lên trong làng công nghệ số của thế giới gồm (Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines). Thế nhưng, mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số của DN Việt Nam thì lại rất thấp. Các DN Việt Nam có trở thành “ngôi sao” trong làng công nghệ số hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đổi mới trong nhận thức, tư duy, cũng như quan niệm về đầu tư ban đầu. Công nghệ số đang tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các DN lớn và DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường… mở ra một thế hệ DN mới với đặc trưng “vốn nhỏ, trí tuệ lớn”. Thế giới đang nhỏ lại, còn DN nhỏ thì cần phải lớn lên. Hi vọng trong tương lai các DN nhỏ và vừa sẽ biết tận dụng cơ hội, tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp và làn sóng kinh tế số để phát triển mạnh mẽ chứ không phải mãi trăn trở với câu hỏi: “Làn sóng công nghệ số, DN nhỏ và vừa đã sẵn sàng?”. 

Hoàng Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân