Thị trường điện cạnh tranh: Ngổn ngang chờ thí điểm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặc dù rất quan tâm tới việc vận hành thị trường điện cạnh tranh, dù là thí điểm từ 1/7 như một bước tập dượt cho vận hành chính thức vào năm 2012, nhưng trăn trở lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) sản xuất điện vẫn chỉ xoay quanh vấn đề giá bán điện có tăng được không.

Sẽ có 83 nhà máy điện nằm trong diện phải tham gia thị trường để giành quyền bán điện vào hệ thống điện quốc gia (theo quy định, các nhà máy điện có quy mô công suất hơn 30 MW). Tuy nhiên, không phải tất cả 83 nhà máy này sẽ cùng tham gia thị trường. Một số nhà máy sẽ không tham gia chào giá, đó là các nhà máy thủy điện đa mục tiêu như Hòa Bình, Yaly, Trị An; các nhà máy đầu tư theo hình thức BOT, gồm Cần Đơn, Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3…

Trên thực tế, dù có giá bán điện hiện nay khá hấp dẫn do đã đầu tư lâu, nguồn nhiên liệu đầu vào lại miễn phí, nhưng các nhà máy thủy điện đa mục tiêu còn phải gánh vác nhiệm vụ chống hạn, xả lũ, đẩy mặn. Còn các dự án BOT Phú Mỹ 2.2 hay Phú Mỹ 3 nằm trong dây chuyền khai thác khí – vận chuyển vào bờ – sản xuất điện cũng có hợp đồng đã được ký kết với thời gian 25 năm…

Như vậy, sẽ chỉ có chưa đến 70 nhà máy tham gia chào giá trên thị trường điện để giành quyền bán điện vào lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, để tạo ra cạnh tranh thực sự trên thị trường điện với sự tham gia của các nhà máy điện trong diện phải tham gia thị trường, thì vấn đề tiên quyết là cầu phải lớn hơn cung, ít nhất 15 – 20%.

Trước đó, năm 2004 – 2005, thị trường điện cạnh tranh trong nội bộ EVN cũng đã được thí điểm vận hành, với sự tham gia của 8 DN. Tuy nhiên, thay vì chào giá thấp, rất hấp dẫn trong những ngày đầu thí điểm, giá chào của tất cả các đơn vị tham gia thị trường nhanh chóng được đẩy lên xấp xỉ giá trần bởi nguồn cung điện thấp hơn nhiều so với cầu, điện sản xuất ra bao nhiêu đều được mua hết. Cũng rất nhanh chóng, thị trường điện thí điểm này đã “chết yểu” và thị trường điện vẫn chưa có cơ hội tái vận hành trong thời gian qua.

Còn ở thời điểm này, tổng công suất các nhà máy điện hiện có trên toàn quốc đã vượt qua con số 20.000 MW. Trong khi đó, công suất thực tế tiêu thụ cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2011 mới chỉ khoảng 14.500 MW. Điều này cho phép kỳ vọng sẽ tạo ra cạnh tranh thật sự khi thị trường điện được vận hành trở lại vào thời điểm này, bên cạnh nỗ lực ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn vận hành thị trường điện từ Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực từ năm 2006 tới nay.

Tuy nhiên, để chuẩn bị thí điểm vận hành thị trường điện từ ngày 1/7 tới, hiện còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện Nhơn Trạch 2 không chỉ lo lắng về chi phí đầu tư hệ thống thông tin để tham gia chào giá trên thị trường điện sẽ được tính vào giá điện ra sao, mà còn lo ngại về việc chưa có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo khi giá khí của các nhà máy điện của EVN thấp hơn nhiều so với giá khí của các nhà máy điện của PVN.

Bên cạnh đó, ông Quốc băn khoăn: “Công ty mua bán điện (EPTC) ở dưới EVN, muốn trả tiền cho các DN phát điện phải chờ EVN rót tiền, nếu EPTC không có tiền thì cũng chả kiện được ai. Vì thế vấn đề đảm bảo dòng tiền thu được từ người mua điện rồi trả cho các nhà phát điện cần phải có sự minh bạch, tránh tình trạng điện cứ phát, mà tiền không thu được”.

Với thực tế, EVN đang nợ các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khoảng 5.000 tỷ đồng, hay nợi các nhà máy điện của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) khoảng 1.500 tỷ đồng, việc lo ngại của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, tình hình tài chính khó khăn của EVN cũng xuất phát từ thực tế giá bán lẻ điện bình quân hiện nay thấp hơn giá mua điện đầu vào. Để gỡ gánh nặng tài chính và làm lành mạnh hóa ngành điện, Chính phủ đã ban hành Cơ chế giá điện theo thị trường, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây.

Như vậy, lo ngại EVN khó khăn về tài chính, kéo theo dây chuyền sản xuất điện của nhiều DN cũng khó khăn theo đã có lối thoát. Tuy nhiên, ông Quốc vẫn lo rằng, cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường sẽ chỉ có mỗi EVN được lợi, còn các nhà máy điện đã có hợp đồng bán điện cho EVN với giá thấp thời gian qua sẽ không được điều chỉnh giá điện.

Tuy nhiên, cơ chế giá điện theo thị trường, về lâu dài, sẽ là mấu chốt để DN phát điện có thể tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất điện theo thực tế và tham gia chào giá điện.

Theo thiết kế của thị trường điện cạnh tranh, trong năm đầu tiên tham gia thị trường, các DN phát điện vẫn được đảm bảo mua điện tới 95% theo hợp đồng và chỉ có 5-10% phải tham gia thị trường. Các năm tiếp theo, phần tham gia chào giá trên thị trường sẽ tăng lên, nhưng không thấp hơn 60% sản lượng điện của nhà máy điện cơ sở, tùy theo từng loại hình.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử