Thị trường lúa gạo: Lại điệp khúc “được mùa, mất giá”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thông tin ghi nhận được, vụ hè – thu năm nay năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL đạt khoảng 5,2 tấn/ha. Nếu giá lúa ổn định ở mức trước khi thu hoạch vào tháng 3 – 2009 thì nông dân đủ bù đắp chi phí sản xuất và có lãi. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi mùa gặt bắt đầu cũng là lúc giá lúa gạo bắt đầu giảm, và dự báo sẽ giảm cho đến lúc thu hoạch xong, khoảng cuối tháng 7 sắp tới. Hiện tượng này không phải là mới vì trong nhiều năm qua mỗi lần vào vụ thu hoạch thì giá lúa lại giảm vì nông dân thu hoạch đến đâu bán đến đó, không có điều kiện kho bãi lẫn tài chính để trữ lúa gạo chờ giá lên.

Báo Sài Gòn giải phóng ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang, giá lúa tươi bán tại ruộng chỉ còn 2.600 – 2.700 đồng/kg, lúa khô 3.000 – 3.200 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg so với giá trước khi thu hoạch. Ở các tỉnh khác như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang tình hình cũng tương tự, giá lúa chất lượng cao cũng chỉ xoay quanh mức 3.800 – 4.200 đồng/kg. Với đà giảm giá này nông dân trồng lúa cầm chắc phần lỗ.

Giá lúa giảm nhưng tiêu thụ lại khó. Nhiều doanh nghiệp cho rằng giá gạo xuất khẩu đang ở mức thấp, lượng gạo tồn kho từ vụ đông xuân vẫn chưa bán được còn nhiều nên không thể tiếp tục mua lúa của nông dân. Một số doanh nghiệp lỡ mua lúa với giá cao từ vụ trước mà vẫn chưa xuất bán được đành phải chịu lỗ. Hiện tượng này cũng không mới, năm nào cũng trở lại một phần vì doanh nghiệp xuất khẩu thiếu khả năng dự báo xu hướng và giá cả của thị trường lương thực quốc tế, một phần vì bị chi phối bởi những thay đổi thất thường trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.

Kết quả là điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ “đến hẹn lại lên” mà người thiệt hại nặng nề nhất là nông dân. Đầu tháng này, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” tại Cần Thơ, nhằm tìm ra giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh diện tích lúa đang ngày một suy giảm.

Nổi lên trong hội thảo, ngoài vấn đề đã nói đến nhiều là diện tích đất nông nghiệp giảm dần trong tiến trình đô thị hóa, còn có vấn đề nông dân bỏ trồng lúa để chuyển sang các hoạt động khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Nếu người trồng lúa cứ tiếp tục chịu “được mùa mất giá” như hiện nay thì diện tích đất ruộng bị bỏ hoang hoặc chuyển sang mục đích khác có thể còn lớn hơn nhiều so với công cuộc đô thị hóa. Chung quy, giải pháp cho vấn đề an ninh lương thực quốc gia nằm ở chỗ làm sao để người nông dân có lợi để khuyến khích họ trồng lúa, tăng sản lượng lúa chứ không chỉ tập trung vào việc hạn chế chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích khác, dừng xuất khẩu gạo khi thị trường có dấu hiệu biến động.

Theo tiến sĩ Hà Thanh Toàn- Phó hiệu trưởng đại học Cần Thơ, một gia đình nông dân có 4 nhân khẩu, canh tác 1 ha đất lúa hai vụ mỗi năm thì thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/người/năm; đó là chưa kể những năm mất mùa do thiên tai và ở nhiều tỉnh thành trong nước, lượng đất canh tác bình quân hộ gia đình rất thấp, còn xa mới đạt mức bình quân 1 ha/hộ như ở ĐBSCL.

Để người dân gắn bó với đồng lúa, cần có hàng loạt chính sách hỗ trợ như ổn định giá mua lúa tối thiểu, đầu tư hạ tầng ở nông thôn, đầu tư công nghệ và kho chứa để giảm thất thoát sau thu hoạch, khuyến khích tích tụ ruộng đất… Khách quan mà nói, đã có một số chính sách chuẩn xác, đáp ứng một phần yêu cầu phát triển thị trường lúa gạo. Song một vấn đề cốt lõi là chiến lược đầu ra cho hạt lúa vẫn còn mơ hồ, với nhiều câu hỏi chưa có lời đáp: nông dân là người sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường hay phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, làm sao ổn định thị trường gạo xuất khẩu, chấm dứt tình trạng tranh mua tranh bán nhưng vẫn không rơi vào cơ chế độc quyền gây hại cho nông dân…

Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở ĐBSCL phải ngừng việc mua lúa gạo của nông dân ngay khi vụ thu hoạch lúa hè – thu bắt đầu, là do họ không thể chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, phụ thuộc vào chỉ tiêu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ – mà Hiệp hội này lại không nắm được sản lượng, không dự báo được giá cả – như lời ông Chủ tịch Hội Trương Thanh Phong nói với báo Sài Gòn Tiếp thị, số ra ngày 10 – 6 vừa qua.

Phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ đã có nghị quyết giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát cơ chế xuất khẩu gạo, làm rõ những mặt được, những hạn chế của cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành để có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát huy những hoạt động tốt của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nếu nghị quyết này được triển khai thực hiện sớm và nghiêm túc thì bài toán đầu ra cho hạt lúa có khả năng tìm được đáp số, tuy chưa hẳn đã giải quyết xong.

Huỳnh Hoa
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp