Thị trường lao động cuối năm tiếp tục trầm lắng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông số nhân lực trực tuyến quý III.2013 của mạng tuyển dụng, việc làm VietnamWorks cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến tại các thành phố lớn gia tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, nhu cầu lao động trực tuyến tăng 15% trong quý 3, biểu thị sự tăng trưởng vững vàng và ổn định của 6 tháng liên tục trong năm 2013 và chứng tỏ hoạt động tuyển dụng trực tuyến diễn ra rất mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì là thành phố dễ tìm việc hơn so với TP Hồ Chí Minh, do có ít ứng viên hơn cùng dự tuyển vào một vị trí. Xét về ngành nghề, dịch vụ khách hàng hiện đang có mức độ tăng trưởng về nhu cầu đăng tuyển nhiều nhất, tăng 38% trong quý này. Tiếp theo, nghề bán hàng và IT – phần mềm cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với tỷ lệ tương ứng là 33% và 19%. Trong khi đó, nhu cầu lao động ngành du lịch, nhân sự và phi lợi nhuận sụt giảm đáng kể trong quý III, lần lượt là 25%, 14% và 11%.

Đưa ra nhận định về thị trường lao động cuối năm, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, chính sách của Chính phủ có nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu có tác động sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho thị trường lao động những tháng cuối năm. “Nhưng nhìn chung, thị trường lao động đến hết năm 2013 vẫn không có nhiều biến động. Tình trạng khan hiếm lao động không còn diễn ra như những năm gần đây”, ông Thành nói.

Phiên giao dịch việc làm Hà Nội tháng 11 chỉ có khoảng 52 đơn vị tham gia với 660 chỉ tiêu tuyển dụng. So với tháng 10.2013, con số thống kê  có vẻ tăng hơn nhưng so với dịp này những năm trước thì giảm khoảng 30%. Phiên chợ thiếu người mua ít kẻ bán phần nào phản ánh bức tranh thị trường lao động Hà Nội dịp cuối năm khi nền kinh tế còn đầy khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch chỉ đăng ký tuyển từ 2 – 6 lao động. Chỉ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn đăng ký tuyển dụng đến vài chục lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lần này chủ yếu tập trung vào trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật, còn bậc cao hơn như cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 33%. Ngược lại, phía cung lao động cũng khá thưa thớt, tại một số phòng phỏng vấn rất ít người lao động ngồi chờ được phỏng vấn.

Còn tại  TP Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Trần Anh Tuấn cho biết, nhu cầu  lao động quý IV.2013 ở mức 60.000 người bao gồm lao động thay thế và tuyển mới của các doanh nghiệp. Trong đó tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành như: dệt may – da giày, cơ khí, công nghệ thực phẩm, nhựa – bao bì, điện tử… Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn rất kén trong khâu tuyển dụng. Điều này cho thấy tình trạng cung lao động vượt quá cầu trong những tháng cuối năm 2013 sẽ tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành kế toán, quản lý điều hành, nhân sự; hành chính văn phòng; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng… rất ít và khắt khe, nên lao động thuộc các nhóm ngành này vẫn lao đao tìm việc hoặc chấp nhận làm trái ngành.

Nguyên nhân cung vượt cầu trên thị trường lao động được Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh Bùi Thanh Ngọc giải thích: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, đơn hàng của các doanh nghiệp không tăng mạnh nên họ không có nhu cầu tuyển thêm nhân công. Hơn nữa, các doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng bởi họ vẫn ở trong tình trạng ứ đọng vốn do hàng tồn kho nhiều. Ở thời điểm này, chủ doanh nghiệp phải lo tìm đầu mối để bán hàng thay vì tìm lao động thời vụ sản xuất hàng hóa như những năm trước”. Ông Ngọc cũng dự đoán, tình trạng tuyển dụng ồ ạt sẽ không diễn ra như mọi năm. Và, người lao động sẽ khó tìm được việc làm mới nếu nghỉ việc trong thời điểm này.  

Tuy nhiên, cũng có cơ sở để hy vọng thị trường lao động sẽ khởi sắc hơn từ nay đến đầu năm 2014 (dịp Tết Âm lịch) khi những chính sách kinh tế bắt đầu có tác động tích cực. Hơn nữa, cuối năm nhu cầu tiêu dùng của thị trường cũng lớn hơn, cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung hoàn thành kế hoạch kinh doanh và tính toán phương án tiêu thụ hàng hóa, vì vậy nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp về nhóm ngành này sẽ tăng hơn. Nhu cầu tuyển dụng người lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho một số doanh nghiệp cũng được dự đoán là sẽ xuất hiện nhiều hơn. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức cung – cầu lao động trong một số ngành nghề có xu hướng chậm lại. Trái với cách suy nghĩ phổ biến cho rằng việc tuyển dụng nhân sự sẽ chững lại; trên thực tế, đây lại chính là thời điểm các công ty đang tích cực tuyển dụng nhân sự giỏi nhất vào các vị trí chủ chốt để lèo lái doanh nghiệp vượt qua thử thách và phát triển vững mạnh hơn”, ông Jonah Levey, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT của VietnamWorks chia sẻ.

Dũng Hiếu
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân