Thị trường thép có bị làm giá?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá phôi thép thế giới tăng

Đầu tuần này, nhiều công ty thép như Thép Miền Nam, Pomina đã chính thức điều chỉnh giá bán tăng 300.000-400.000 đồng/tấn so với giá cũ. Thép cuộn Miền Nam từ 11,3 triệu đồng tăng lên 11,6 triệu đồng/tấn; thép cuộn Pomina từ 11,4 triệu đồng tăng lên 11,8 triệu đồng/tấn.

Đây là lần thứ ba giá thép tăng liên tiếp. Trước đó, vào cuối tháng 11-2008, thị trường thép đã có hai lần điều chỉnh với mức tăng 600.000-800.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dưỡng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Phong – đơn vị phân phối cho nhiều hãng thép, giá thép trong nước tăng do thời gian gần đây, giá phôi thép thế giới tăng trở lại, tuy mức tăng không cao lắm. Theo đó, từ đầu tháng 11-2008 đến nay, giá phôi thép thế giới từ 315 USD tăng lên 450 USD/tấn.

Bên cạnh đó, vừa qua Chính phủ quy định mức thuế suất nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm khá cao để bảo hộ ngành thép trong nước dẫn đến lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ukraina, Thái Lan, Ấn Độ… đã giảm mạnh. Đây cũng chính là nguyên nhân để thị trường thép trong nước tăng giá.

Theo ông Dưỡng, hiện lượng hàng tồn của các “đại gia” tích trữ đã có phần cạn kiệt nên người có nhu cầu phải lấy hàng ở các nhà máy. Do đó, sự cạnh tranh giữa hàng tồn kho và hàng mới sản xuất đã giảm bớt rất nhiều so với trước.

Giá sẽ khó biến động mạnh

Có nhiều ý kiến cho rằng thép đang được làm giá chứ thực sự chưa thể tăng trở lại được. Nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho nhận định này là nhu cầu sử dụng thép chưa thật sự cao. Thông thường, thời gian trước và sau Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng giảm rất nhiều. Hiện nay, các công trình trọng điểm tiêu thụ thép lớn không nhiều lắm. Ngoài ra, kinh tế thế giới đang khủng hoảng tác động đến kinh tế trong nước nên khó có khả năng nhu cầu xây dựng tăng cao. Tuy vậy, ông Đinh Huy Tam – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thép tăng giá cũng là chuyện bình thường bởi trong một thời gian dài, các doanh nghiệp đều phải bán với giá rất thấp so với giá thành sản xuất. Có một thời gian dài, giá thép trong nước thấp hơn giá phôi thép thế giới vài triệu đồng một tấn, thậm chí giá thép bán ra còn thấp hơn giá thép phế liệu nhập về. Chính vì vậy, khi nhu cầu tăng lên đôi chút, các đơn vị kinh doanh thép phải tìm mọi cách nhích giá lên để nhằm bù lỗ, tránh thiệt hại.

Trong tháng 11-2008, lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng khá nhiều so với các tháng trước, đạt khoảng 310-320 ngàn tấn. Tuy nhiên, đây cũng chưa hẳn là nguyên nhân dẫn đến thép tăng giá.

Theo ông Tam, lý do để thép tăng giá bắt nguồn từ các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối. Theo đó, trong một thời gian giá thép giảm đã chạm đáy, giờ đang có dấu hiệu “ngóc đầu dậy” nên nhiều doanh nghiệp lo sợ giá sẽ tăng trở lại đã mua dự trữ với lượng hàng tương đối nhiều.

Ông Tam nhận định giá thép trong nước sẽ không có đột biến mạnh dù nhu cầu và còn rất lâu thép mới có thể khôi phục lại giá bán giống như cách đây vài tháng. Hy vọng trong thời gian tới đây, những biện pháp kích cầu của nhà nước đưa ra sẽ phát huy hiệu quả để từ đó kích cầu thị trường thép.

Từ những biến động khó lường của thị trường thép trong nước và trên thế giới, rất khó có thể dự đoán chính xác giá thép sẽ biến động thế nào trong thời gian tới. Nếu như trước đây, khi giá thép có xu hướng tăng, các nhà phân phối thép và các nhà thầu tích cực “ôm” thì nay có vẻ rất thận trọng.

Gạch và xi măng vẫn ế ẩm

Thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục ế ẩm. Giá xi măng tuy có trồi sụt đôi chút nhưng đây chỉ là “liệu pháp tâm lý” của nhà sản xuất và nhà phân phối chứ thực ra nhu cầu sử dụng xi măng trong thời gian qua không lớn. Dự báo trong thời gian tới, giá xi măng vẫn tiếp tục giữ nguyên. Có chăng chỉ là những biện pháp khuyến mãi, hậu mãi từ phía nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm kích cầu.

Còn giá gạch đã giảm xuống rất thấp nên khó có thể giảm thêm được nữa do lượng gạch tồn kho hiện đang rất lớn. Do đó, khả năng tăng giá chắc chắn chưa thể xảy ra, nếu có biến động thì cũng phải đợi đến hết quý I-2009.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP HCM