Thị trường vàng 2012 – thành công và bất ổn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo quy định của Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng với đầu mối đại diện Nhà nước để sản xuất vàng miếng là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, thương hiệu SJC. Các doanh nghiệp đã từng được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng trước kia giờ đây đều bắt buộc phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, cách thức triển khai cũng như công tác tuyên truyền không đầy đủ đã khiến thị trường trở nên rối loạn.

Sự khẳng định của Chính phủ “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật” đã trấn an người có vàng về nguy cơ không được trữ vàng đã được đồn đại trước đó. Tuy nhiên, cánh cửa đối với người có vàng giờ đây cũng hẹp hơn, vì họ chỉ có thể lựa chọn giữ tại nhà, gửi ngân hàng giữ hộ có mất phí (theo quy định của Thông tư 12/2012/TT-NHNN) hoặc bán đi, vì Nghị định 24 quy định rõ 7 hành vi vi phạm, trong đó có sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Mặc dù nhiều ý kiến e ngại sẽ khó thực hiện quy định cấm thanh toán bằng vàng vì tập quán này tồn tại từ lâu đời. Thế nhưng, thực tế sau hơn nửa năm Nghị định 24 có hiệu lực, việc thanh toán bằng vàng (nhất là trong lĩnh vực bất động sản) đã giảm rất nhiều, những niêm yết công khai hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân là người dân không còn mặn mà với vàng như trước kia. Bởi vậy, kể cả khi giá cả biến động, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng thì cũng không còn hiện tượng đổ xô đi mua vàng, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD cũng được giữ bình ổn. Đây có thể coi là một thành công của đề án chống vàng hóa mà Ngân hàng Nhà nước triển khai.

Thế nhưng, trong 3 tháng cuối năm 2012, thị trường vàng tiếp tục chứng kiến nhiều bất ổn – cả mới và cũ. Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tháng (tính từ tháng 9.2012 đến nửa cuối tháng 10.2012), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã phát hiện được 463 lượng vàng nhái thương hiệu SJC. Con số này cao gần gấp 6 lần số lượng vàng nhái đã được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian 20 năm (20 năm qua chỉ phát hiện được 80 lượng vàng nhái). Thông tin này đã khiến người có vàng hoang mang và đổ xô mang vàng đi kiểm định và ép lại bao bì, chấp nhận mất phí 5.000 đ/lượng tại TP Hồì Chí Minh và  30.000 đ/lượng tại Hà Nội. Mỗi ngày theo ghi nhận của SJC, có khoảng 15.000 lượng vàng được mang đến kiểm định tại các cửa hàng của công ty này. Như vậy cũng có nghĩa là ít nhất mỗi ngày người dân có vàng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kiểm định lại tài sản tài chính mà mình đang nắm giữ. Đáng nói hơn cả là trong trường hợp bị phát hiện là vàng nhái thì người dân chỉ có thể bán lại cho công ty theo giá vàng nguyên liệu (tức là thấp hơn giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/lượng). Nếu không chấp nhận, số vàng đó sẽ bị công ty lập biên bản, thu giữ và báo cơ quan công an giải quyết. Một số ngân hàng từ chối mua lại vàng do chính mình bán ra. Còn chi nhánh của Công ty SJC tại Hà Nội cũng từ chối mua lại vàng đơn lẻ (1 chỉ, 2 chỉ) với lý do khách mua ở đâu thì bán ở đó.

Tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới kéo dài đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, trái lại còn trầm trọng hơn. Tại thời điểm ngày 20.12.2012, giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới tới 4,5 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia trong ngành kinh doanh vàng bạc cũng cho biết: nếu cộng cả chi phí chế tác và gia công vàng, các loại thuế và phí liên quan thì giá vàng trong nước cũng chỉ chênh so với giá thế giới 1%. Mức chênh 4,5 triệu đồng/lượng (tương đương 9,8%) như phiên giao dịch trên thị trường vàng ngày 20/12 là nghịch lý đầy bất thường. Và nghịch lý này rõ ràng không thể đổ cho tâm lý đám đông của người dân như trước đây, khi ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC – đã khẳng định: 90% lượng vàng SJC được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Chỉ có 10% là được bán cho người dân. Sự chênh lệch này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của Nghị định 24 là bình ổn thị trường vàng trong nước, chống đầu cơ làm giá đối với mặt hàng nhạy cảm này.

Ngoài ra việc sản xuất vàng nhẫn trơn loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng cho thấy các doanh nghiệp đang tìm cách lách những quy định ngặt nghèo về sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Thực tế này cho thấy, công tác quản lý thị trường vàng năm 2013 vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đi tới mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế.

Thu Thùy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân