Thiếu điện là nút thắt của nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Báo cáo bổ sung tình hình KTXH năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2011 vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 sáng nay thì năm 2010 nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá: GDP tăng 6,78% (cao hơn chỉ tiêu là 6,5%); các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng cao hơn năm 2009. Các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm như kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỷ USD, tăng 26,4%; nhập siêu đạt 12,6 tỷ USD, chỉ bằng 17,5% kim ngạch xuất khẩu…

“Kết quả này cho thấy, nếu có biện pháp cụ thể, tổ chức quyết liệt để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng hoá chưa thực sự thiết yếu (hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng trong nước đã sản xuất được…) thì mục tiêu kiểm soát nhập siêu năm 2011 và những năm tiếp theo có thể thực hiện được”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế, tồn tại của nền kinh tế, Báo cáo của Chính phủ một lần nữa nhắc lại: “Môi trường kinh tễ vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng còn thấp; ô nhiễm môi trường đang trầm trọng”.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, bên cạnh những hạn chế tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa được khắc phục như, chất lượng giáo dục-đào tạo, trình độ nguồn nhân lực hạn chế; cơ sở hạ tâng thiếu đồng bộ; năng suất lao động thấp; sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước kém… thì tình trạng thiếu điện trầm trọng đã trở thành một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng và phát triển cả trước mắt và lâu dài.

“Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2011, chúng ta tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức lớn hơn so với năm trước, nhất là lạm phát tăng cao do cộng hưởng của các yếu tố: lạm phát toàn cầu tăng, nhất là giá lương thực, giá vàng, giá dầu thô; hệ quả của các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong thời gian vừa qua; ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 ước tăng 2,2% sau khi đã tăng 1,74% trong tháng 1 và 2,09% trong tháng 2) trong điều kiện phải thực hiện chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Cùng với lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lo ngại.

Đứng trước tình hình này, triển khai thực hiện phát triển KTXH năm 2011, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ thực hiện 6 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng được ưu tiên số 1. Thực hiện nhóm giải pháp này, Chính phủ chủ trương hạn chế tăng cung tiền, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay được giữ ở mức dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%.

“Mặc dù hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn phải bảo đảm bố trí đủ vốn phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Nhóm giải pháp thứ 2 được Chính phủ ưu tiên thực hiện trong năm nay là thắt chặt chính sách tài khoá, trong đó giảm đầu tư công và giảm bội chi ngân sách được thực hiện triệt để.

Cụ thể, mặc dù nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là lãi suất ngân hàng cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng thu ngân sách 7-8% so với chỉ tiêu của Quốc hội; rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011; cắt giảm đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

“Các cấp, các ngành phải tạm dừng việc trang bị ôtô, điều hoà nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức sử dụng ngân sách phải chịu trách nhiệm và có kế hoạch giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước…”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến cắt giảm đầu tư công, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương không thực hiện ứng trước, không kéo dài thời gian sử dụng vốn, chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, trừ các dự án trọng điểm quốc gia và dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

“Chính phủ tiếp tục tập trung giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn; rà soát nợ chính phủ, nợ quốc gia, hạn chế nợ dự phòng, không mở rộng đối tượng phạm vi bảo lãnh của Chính phủ; đảm bảo dư nợ chính phủ, dư nợ công, dư nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn tài chính quốc gia”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Đứng trước thự tế “thiếu điện trầm trọng đã trở thành một trong những điềm nghẽn của tăng trưởng và phát triển cả trước mắt và lâu dài”, vì thế cùng với thực hiện giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, lần đầu tiên trong Báo cáo trình bày trước Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh đến giải pháp “sử dụng tiết kiệm năng lượng”.

“Song song với việc huy động tố đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong mùa khô (kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6), ưu tiến bảo đảm điện cho sản xuất thì các ngành, các cấp, các tổ chức phải có trách nhiệmk hướng dẫn, chỉ đạo triển khai quyết liệt những quy định vê tiết kiệm điện, phấn đấu tiết kiệm sử dụng điện 10% trong sản xuất và tiêu dùng đồng thời có biện pháp cần thiết và phù hợp để khuyến khích, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân sử dụng tiết kiện năng lượng (điện, xăng dầu), sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh – sạch và công nghệ tiết kiệm điện”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử