Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp là nòng cốt tạo chuỗi giá trị

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe cho biết, cho vay theo chuỗi giá trị là các dịch vụ sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ để tạo vốn nhằm giải quyết những nhu cầu và khó khăn của người tham gia trong chuỗi giá trị đó. Chuỗi liên kết phải khép kín, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có được dòng tiền lưu động. Ông Hòe chia sẻ, tại Điều 14 của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mới dừng lại ở khái niệm và đưa ra 2 thông điệp chính là nếu hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân liên kết lại, có các hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất thì có thể cho vay tối đa 70% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết bằng thế chấp. Thứ hai là, nếu như liên kết theo chuỗi giá trị thì có thể cho vay tối đa thế chấp đến 80% giá trị của dự án. Nhưng để làm được hai thông điệp trên theo ông Hòe, việc tái cơ cấu nông nghiệp và các chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tạo ra được các chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân rất yếu và lỏng lẻo. Cụ thể: hộ liên kết có hợp đồng đầu ra với doanh nghiệp như lúa chỉ chiếm 10%, chăn nuôi chiếm 16%, chè chiếm 10%. Liên kết hộ với doanh nghiệp đầu vào yếu hơn. Việt Nam có 65.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu hợp tác theo hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới, dịch vụ thủy lợi. Rất ít tổ hợp tác có các hoạt động kinh doanh, nhất là sản xuất theo chuỗi chỉ chiếm dưới 10%.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực để tìm hướng đi, xây dựng các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều quan trọng là phải xây dựng được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để hướng tới phát triển cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Nhìn dòng tiền của dự án để quyết định

 Yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của chuỗi liên kết là doanh nghiệp giữa vai trò đầu tầu, định hướng gắn kết người nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không chỉ chia sẻ lợi ích mà còn cả rủi ro với người nông dân, các hộ liên kết. Các sản phẩm sản xuất ra phải cam kết đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, an toàn. Đặc biệt cần có sự tham gia của chính quyền địa phương vào chuỗi giá trị này.

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng

Đại diện Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam VINA SAMEX.,JSC chia sẻ, công ty sản xuất hồi, quế hữu cơ với 1.080 hộ đồng thời còn thu mua nguyên liệu từ 5 đại lý và 2.000 hộ nông dân khác ở tỉnh Yên Bái và Lạng Sơn. Hiện nay, công ty giao dịch với 2 Ngân hàng với thời hạn vay 6 tháng đáo hạn 1 lần và lãi suất lần lượt là 4.5%/năm và 5%/năm và đều phải thế chấp mới được vay. Công ty muốn mở rộng quy mô nhưng không còn khả năng thế chấp vì thế không vay được ngân hàng.

Đại diện doanh nghiệp chế biến nông sản Ninh Bình chia sẻ, doanh nghiệp cũng đã nghĩ tới chuỗi liên kết từ lâu nhưng không được định hướng nên cứ mò mẫm, hình thành dần từ việc liên kết với nông dân. Bởi vậy, gặp nhiều rủi ro từ phía nông dân, từ thị trường. Sau đó doanh nghiệp tự thuê đất và thuê người dân trồng trọt theo tiêu chuẩn mình đề ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư vào trồng nguyên liệu mà đi vay thì không đủ điều kiện vì đòi hỏi thế chấp quá lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng cũng kinh doanh mà đã kinh doanh thì phải có lợi, tuy nhiên phương thức cho vay là quan trọng nhất và phải xuất phát từ suy nghĩ của từng nhân viên ngân hàng. Trong khi nhân viên ngân hàng luôn cho rằng phải có tài sản bảo đảm thì mới chắc chắn nhưng kinh nghiệm các ngân hàng thế giới cho thấy chỉ cần nhìn dòng tiền của dự án để quyết định cho vay hay không. Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15.3.2017 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay nhưng sự chuyển biến trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam rất chậm.

Theo nhiều chuyên gia, cần quy định mức thuế phù hợp đối với từng hạn mức sử dụng đất nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tham gia làm việc trong doanh nghiệp nhận góp vốn. Đối với chính sách tín dụng, cần gỡ khó cho các hộ nông nghiệp và doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất được sử dụng tài sản thế chấp là hàng hóa lưu kho, tài sản hình thành trên đất nông nghiệp, cùng với đó, ưu tiên lãi suất và hạn mức cho vay kéo dài hơn, với tỷ lệ cho vay cao hơn.

Nguyễn Quỳnh
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/