Thiếu nguyên liệu cá tra: Hệ quả do doanh nghiệp "ăn xổi”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xuất khẩu tăng gần 30%

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mặc dù phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường vẫn có xu hướng tăng trưởng mạnh. Tính đến cuối tháng 9/2011, xuất khẩu cá tra đạt giá trị 1,31 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nổi bật nhất là thị trường Nga, chỉ riêng tháng 9/2011, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 5,1 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng qua lên tới 43,6 triệu USD.

EU cũng là một trong những thị trường trọng điểm nhập khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm 30% thị phần, nhưng mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa cao, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 397 triệu USD. Bên cạnh các thị trường trọng yếu, xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh của các thị trường Mỹ (chiếm 16,9%), Trung Quốc và Hong Kong, Brazil, Mexico, ASEAN, Ảrập Xêút…

Ông Dương Ngọc Minh- Phó Chủ tịch VASEP- dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2011 có thể vượt mức 1,5 tỷ USD do nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ loại cá này rất ổn định. Hiện các nhà nhập khẩu cá tra tại hai thị trường lớn EU và Mỹ đang tích cực tìm nguồn cung cấp cá tra để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và năm mới sắp tới với giá cao hơn 20% so với những tháng trước.

Không chỉ xuất khẩu tăng, hiện giá cá tra cũng liên tục “nóng”, cụ thể: cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 27.500- 28.000 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10. Nếu tính từ thời điểm tháng 7 đến nay, giá cá tăng khoảng 4.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá cá tra nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng dần và ổn định ở mức 27.000- 28.000 đồng/kg.

Theo Vasep, sở dĩ giá cá tra tăng cao là do nguồn nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng. Dự báo trong quý 4/2011, sản lượng cá thiếu 50% so với những tháng trước, nhưng tình hình đã xuất hiện ngay trong tháng 9 vừa qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra kéo dài trong thời gian qua khiến một số nhà máy chế biến chỉ chạy 50-60% công suất.

Doanh nghiệp vẫn “ăn xổi”

Lý giải vì sao hiện nay người nuôi cá tra tại ĐBSCL lại đang thờ ơ, không tiếp tục đầu tư khi giá nguyên liệu đang ở mức cao. Nhiều hộ nuôi cho rằng, giá cả bấp bênh không ổn định là nguyên nhân chính khiến các hộ không dám đầu tư. Trong khi chi phí đầu vào như cá giống, thức ăn chăn nuôi, điện… tăng cao thì người nuôi luôn bị doanh nghiệp ép giá. Nhất là thời điểm cá tra đến lứa thu hoạch người dân rốt ráo tìm đầu ra, doanh nghiệp lại từ chối mua với lý do không có đơn đặt hàng xuất khẩu.

Theo đánh giá của VASEP, đây là hệ quả của việc thiếu quy hoạch nguồn cá nguyên liệu. Khi đến lứa thu hoạch, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ưu tiên sử dụng nguồn cá nguyên liệu của doanh nghiệp tự nuôi, trong khi đây cũng là thời điểm cá đến kỳ thu hoạch trong dân tăng hoặc những hộ liên kết nuôi gia công cho doanh nghiệp, để cá quá cỡ lại bị doanh nghiệp ép giá. Bên cạnh đó, sức ép trả nợ vay ngân hàng và các chi phí, khiến nhiều hộ nông dân bán tháo, thua lỗ nặng.

Mặc dù hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu của đơn vị mình, tự xây dựng vùng nuôi cá tra. Tuy nhiên, với nguồn vốn đầu tư lớn trên 1.000 tỷ đồng cho một nhà máy có công suất chế biến khoảng 200 tấn cá/ngày, mỗi năm phải có 70.000 tấn cá nguyên liệu thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư. Chính vì vậy mà nguồn nguyên liệu vẫn phải phụ thuộc vào dân. Nếu nông dân ngừng nuôi cá thì tình trạng đói nguyên liệu là điều tất yếu.

Ông Dương Ngọc Minh cho rằng, tình hình khan hiếm cá tra nguyên liệu đang ngày càng trở nên trầm trọng nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân không có sự liên kết thành chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến và xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tính toán chi phí đầu vào và công chăn nuôi để đảm bảo sau khi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp, người dân vẫn có lãi. Như vậy mới khuyến khích được người nông dân tái đầu tư.

Thanh Hải
Nguồn: Báo điện tử Công thương