Thiếu thương hiệu, khó ra biển lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguyên nhân chính là do các sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu: Sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá thành và lợi nhuận thu về không đáng kể. Người trực tiếp sản xuất không hưởng lợi từ thành quả lao động của mình. Điều quan trọng khác: khi cần thâm nhập vào những thị trường khó tính, sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh, do đó không kích hoạt được sản xuất. Hơn thế, các quốc gia làm thương hiệu nông sản nổi tiếng tốt hơn sẽ hưởng lợi từ quá trình này. Họ không cần phải sản xuất nhiều, từ việc nhập nguyên liệu từ Việt Nam, đóng nhãn mác, thương hiệu vào và thu lại phần lớn lợi nhuận. Với một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và nông nghiệp như Việt Nam, điều này thực sự là nguy cơ.

Hơn nữa, sản phẩm rơi vào tình trạng mất cơ hội vươn ra thế giới. Đơn cử, như việc không ít sản phẩm khi tung ra thị trường, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến với mong muốn phát triển thương hiệu tại đất nước họ. Nhưng cuối cùng cơ hội không đến với doanh nghiệp Việt vì nhà đầu tư nước ngoài lại phải tìm đến sản phẩm tương tự ở đất nước khác, dù họ biết chắc không tốt bằng sản phẩm của Việt Nam. Bởi chỉ đơn giản là sản phẩm ở đất nước đó đã có thương hiệu… Nhiều doanh nghiệp lo lắng, điều này sẽ làm mất cơ hội cho sản phẩm xuất khẩu và trong nước cũng có thể mất thị trường khi người Việt vốn chuộng và tin dùng sản phẩm từ nước ngoài.

Tìm được nguyên nhân nhưng hóa giải nó cũng lại là câu chuyện không dễ đối với doanh nghiệp Việt vốn non trẻ và thiếu kinh nghiệm thương trường quốc tế. Trừ một số ít doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm xuất khẩu, còn lại hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp không biết việc làm thương hiệu, lựa chọn quy chuẩn quốc tế như thế nào để có thể xuất khẩu. Bởi nếu tính tiêu chuẩn VietGap thì mới chỉ tầm quốc gia. Vậy nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì việc tiếp cận và thực hiện theo tiêu chuẩn như GlobalGap sẽ bắt đầu từ đâu? Với những tiêu chuẩn cần được hỗ trợ bằng máy móc hiện đại và rất đắt tiền thì cách thức như thế nào?… Hiện nay, có rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại được xem là những hoạt động chính của Nhà nước trong hội nhập. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp tỏ ra hoài nghi hiệu quả, bởi nó sẽ chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm thương trường quốc tế. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có cơ hội khi họ vẫn yếu và thiếu đủ thứ.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tỏ ra lo lắng về lĩnh vực nông nghiệp trong hội nhập và với góc nhìn của các ĐBQH thì lĩnh vực này cũng tồn tại nhiều vấn đề như đất đai, giống, quy trình sản xuất… Và không ít ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động và Nhà nước sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, làm sao biến ý chí thành hành động cụ thể lại là cả vấn đề. Từ phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, hỗ trợ không nhất thiết là câu chuyện vốn mà Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ mang tính kỹ thuật cụ thể hơn cho từng vấn đề của nông nghiệp. Đơn cử như với việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp, doanh nghiệp cũng rất cần Nhà nước có những đơn vị tư vấn một cách cụ thể để doanh nghiệp chủ động tìm đến khi muốn xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế hoặc khu vực thương mại nào đó. Nhà nước sẽ giúp họ phải làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Theo nhiều doanh nghiệp, đó mới là điều họ cần, nếu không những chương trình xúc tiến sẽ chỉ là lãng phí nếu sản phẩm trong nước không tăng được giá trị sản phẩm và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…

Phương Hoa
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân