Thông tư 20 “bức tử“ doanh nghiệp nhập khẩu ô tô?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thông tư 20/2001/TT-BCT do Bộ Công Thương  ban hành ngày 12/5/2011 và có hiệu lực từ ngày 26/6/2011, theo đó thương nhân nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.


Có thể nói, kể từ ngày nhận được thông tin này, các DN nhập khẩu ô tô độc lập (không phải là các nhà phân phối chính thức) bị “sốc” nặng. Một số người phản ứng mạnh, gọi đó là văn bản “bức tử” đối với DN nhập khẩu ô tô độc lập.

Những ngày này, hết ông chủ showroom này đến ông chủ showroom kia sẵn sàng đón tiếp báo chí để được buông lời ca thán. Tuy nhiên, có một số ít người bi quan cho rằng “kêu chẳng ích gì”. Phàn nàn với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chủ showroom ô tô trên đường Thái Hà cho hay, bình thường cửa hàng anh bán rất chạy dòng xe Camry, giá trên 40 ngàn USD/chiếc, thậm chí đối với xe hạng sang, như BMW có giá trên 200 ngàn USD, cửa hàng anh thi thoảng cũng có khách đặt hàng. Cho dù, lượng hàng trong kho chỉ còn 200-300 chiếc, song do lãi suất cao, vả lại đối tác nước ngoài cũng không thể một lúc cung cấp số lượng lớn đột biến, nên dù có muốn DN cũng không thể nhập nhiều hàng “chạy trước” thời hạn Thông tư 20 có hiệu lực như các mặt hàng khác được.

Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, văn bản này ra có rất nhiều điểm lợi cho khách hàng, đảm bảo sự an toàn của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu ô tô “phản bác”, rằng khách hàng đến mua xe chẳng quan tâm đến Thông tư 20 mà chỉ để ý dòng xe, uy tín của cửa hàng, DN nhập khẩu và đặc biệt “hợp túi tiền”. “Đơn cử, một chiếc xe Prado (Nhật) nếu mua qua các nhà nhập khẩu độc lập như chúng tôi chỉ có giá 88 ngàn USD, còn nếu qua nhà phân phối chính hãng có giá hơn 92 nghìn USD. Hay như chiếc Accord (Mỹ), chúng tôi chỉ bán 75 nghìn USD, còn  nhà nhập khẩu chính hãng bán giá 82 nghìn USD, trong khi chất lượng như nhau. Vậy, khi văn bản này có hiệu lực, việc nhập khẩu xe khó khăn, cạnh tranh bị triệt tiêu thì giá còn “đội lên” đến đâu?” – một chủ showroom nói.

Còn theo anh Khang – đại diện Auto Thắng Lợi (Cầu Giấy), văn bản trên ra đời gây nhiều mối lo cho công ty về doanh số, công ăn việc làm của nhân viên và ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty. DN này chủ yếu cung cấp xe nhập khẩu từ Hàn Quốc. “Hàng tháng, DN phải trả lãi ngân hàng cao, rồi còn lương nhân viên và các chi phí khác. Vậy nên nếu Thông tư này không sớm được sửa đổi thì showroom sẽ trở thành nơi bán bia hơi!” – anh Khang nói. Bởi, theo ông, xin được giấy chứng nhận là nhà phân phối không dễ. Thực tế, ô tô Kia do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải độc quyền phân phối tại Việt Nam, Hyundai do Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công độc quyền phân phối, chứ làm gì có đơn vị phân phối chính thức thứ hai.

“Bộ Công Thương hoặc chưa xem xét xét thấu đáo trước khi ban hành văn bản, hoặc vì lý do nào đó chỉ có mấy vị trực tiếp soạn thảo mới biết, nếu nói để hạn chế nhập siêu thì cũng không đạt, vì những người có nhu cầu người ta vẫn cứ mua. Khi DN nhập khẩu độc lập bị loại bỏ hết, nhà phân phối độc quyền tha hồ mà thao túng thị trường, giá xe ô tô ở Việt Nam không biết còn méo mó đến chứng nào. Theo chúng tôi, Thông tư 20 hết sức phiến diện, chỉ làm lợi thêm cho một nhóm nhỏ lợi ích” – anh Phạm Đình Hải (Hà Tĩnh), một người đang có nhu cầu mua xe nói.
 
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Thành Biên: Chỉ để lành mạnh hoá thị trường

Tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2011, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên- người ký Thông tư 20 – đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc triển khai thực hiện Thông tư này.

50 DN nhập khẩu ô tô đã  ký văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư 20 vì lo ngại các DN này sẽ bị xoá sổ khi Thông tư có hiệu lực. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi chưa nhận được văn bản của các nhà nhập khẩu ô tô và tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các nhà khẩu liên quan đến Thông tư 20, kể cả các đối tác thương mại khác trong lĩnh vực này. Bộ Công Thương không có biện pháp hạn chế thương mại cũng không đưa ra các khống chế về số lượng, định lượng hoặc các quy định trái với yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chúng tôi chỉ đưa ra những quy định để nhằm lành mạnh hoá thị trường ô tô và tăng chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng và thực thi các biện pháp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cho an toàn giao thông.

Việc truy xuất hàng hoá là yêu cầu không chỉ Vịêt Nam mà các nước đều đặt ra. Ví dụ, chúng ta xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ sang thị trường EU, Hoa Kỳ chúng ta phải chứng minh nơi trồng. Hay như sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU – người ta truy xuất nguồn gốc nơi nuôi. Hay như Trung Quốc cũng truy xuất nguồn gốc hoa quả. Ngay đánh bắt thuỷ sản ngoài biển họ còn bắt chứng minh đánh bắt ở vùng nào, tàu nào ai là thuyền trưởng. Nên những thứ đưa ra ở Thông tư 20 rất là tối thiểu.

Trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc. Ví dụ, có rất nhiều nhà nhập khẩu xe Toyota bị dính chân ga, nước ngoài người ta thu hồi hàng triệu xe. Còn ở Việt Nam, khi khách hàng yêu cầu kiểm tra, bảo dưỡng, các nhà nhập khẩu xe Toyota tại Việt Nam bảo chúng tôi không chịu trách nhiệm, chúng tôi không bảo hành những xe đó vì không có cơ sở bảo trì, bảo dưỡng. Vậy thử hỏi, quyền lợi người tiêu dùng để ở đâu? Ai đứng ra đảm bảo an toàn giao thông? Do đó, những quy định này nhằm làm lành mạnh hoá thị trường. Những ai muốn kinh doanh mặt hàng này buộc phải đáp ứng các quy định của Nhà nước, điều này được quy định rõ tại Điều 21 Luật Bảo vệ Người tiêu dùng và các quy định hiện hành. Đối với các phương tiện trong nước, mọi quy định này đã được thực hiện. Nhưng các xe nhập khẩu chưa được ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Các nhà nhập khẩu cho rằng, Thông tư 20 tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đang sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, giờ họ “khỏi cần” sản xuất, chỉ việc nhập khẩu ô tô về bán. Ông bình luận gì?

Chúng ta không điều chỉnh tăng hay giảm thuế ô tô nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp, sản xuất sang nhập khẩu, phân phối. Việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp, sản xuất sang phân phối phụ thuộc vào 2 yếu tố là lộ trình mở cửa của Việt Nam theo các cam kết gia nhập WTO và cam kết giảm thuế trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam đã ký kết. Trước đây các DN nước ngoài không được phân phối ô tô tại Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết, họ được quyền phân phối ở Việt Nam. Chứ vấn đề này không liên quan gì đến Thông tư 20.

Trước khi ban hành Thông tư 20, Bộ Công Thương đã rà soát bao nhiêu DN nhập khẩu đáp ứng được yêu cầu hay chưa, vì nhiều DN cho rằng đến 26/6  họ phải đóng cửa?

Chúng ta thử làm con số, ví dụ, báo chí đưa hiện chúng ta đang có 1.700 nhà nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Mỗi năm chúng ta nhập khẩu 30 ngàn chiếc ô tô. Tức là mỗi năm mỗi DN nhập khoảng gần 20 chiếc, mỗi tháng nhập khẩu gần 2 chiếc. Thị trường quá manh mún, những năm gần đây, không làm gì thì đi làm nhập khẩu. DN mỗi tháng nhập khẩu 2 chiếc ô tô không tạo công ăn việc làm, hay tăng thu nhập ngân sách. Sự điều tiết là cần thiết, để tiến tới chúng ta có những nhập khẩu, phân phối, bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, hậu mãi đối với người tiêu dùng; đảm bảo an toàn giao thông. Thị trường sàng lọc, giảm bớt đầu mối, tăng chất lượng nguồn gốc, dịch vụ.

Còn các thủ tục hướng dẫn DN, từ nay đến ngày 26/6 Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hợp thức hoá các thủ tục dân sự. Còn việc xin giấy chỉ định, uỷ quyền của nhà phân phối của các nhà sản xuất chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Cám ơn Thứ trưởng.

Mai Hoa (thực hiện)
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam