Thông tư 52/2010/TT-BCA: Cần cụ thể, tránh tạo “kẽ hở“
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại bài báo trên đã đề cập đến việc Cục Kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, Thông tư 52/2010/TT-BCA “có nội dung cần phải xem xét để đảm bảo tính hợp pháp”. Cụ thể, tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư 52 yêu cầu “công dân khi làm thủ tục đăng ký thường trú đều phải xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, nộp bản sao cho cơ quan đăng ký cư trú”.

Theo quan điểm của Bộ Công an, công dân phải xuất trình bản chính để đối chiếu bởi “bản sao” nêu tại qui định trên là bản sao được qui định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP (ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký), chứ không phải “bản sao được chứng thực từ bản chính”. Từ đó, Bộ Công an khẳng định, qui định này tạo điều kiện cho người dân không cần làm thủ tục chứng thực đối với giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi làm thủ tục đăng ký thường trú, mà chỉ cần nộp bản sao và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.

Vấn đề là ở chỗ Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư 52 chỉ đề cập đến “bản sao” mà không loại trừ “bản sao có chứng thực từ bản chính”, dẫn đến việc hiểu rằng, công dân phải xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú làm cơ sở đối chiếu bản sao, “mà không có sự phân biệt bản sao các giấy tờ này đã có hoặc chưa có chứng thực”.

Thực tế, có nhiều trường hợp công dân đã bán nhà ở của mình nhưng vẫn giữ bản sao có chứng thực các giấy tờ về quyền sở hữu ngôi nhà. Khi người dân sử dụng bản sao đó để làm thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không được yêu cầu người dân xuất trình bản chính để đối chiếu, bởi căn cứ theo Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ – CP, “bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch”, nên sẽ gây khó khăn cho việc quản lý đăng ký thường trú.

Do vậy, Cục Kiểm tra Văn bản qui pháp luật tại công văn số 92/KTrVB (ngày 16/5/2011) đã đề nghị Bộ Công an kiểm tra lại qui định tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư 52 để bảo đảm tính hợp pháp, cũng như giá trị về việc giảm thủ tục hành chính phiền hà của qui định về thủ tục đăng ký thường trú, mà không tạo “kẽ hở” dễ bị lợi dụng trong quá trình áp dụng.

Bộ Công an cũng đã giao cho Vụ Pháp chế (phối hợp với các đơn vị liên quan) làm việc với Cục Kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật để thống nhất quan điểm về vấn đề nêu trên.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam