Thành phố Hồ Chí Minh: Thời gian gần đây rộ lên nhiều vụ cơ quan thuế bị doanh nghiệp (DN) kiện ra tòa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Thuế thua nhưng…

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận 6 (TAND Q.6), từ năm 2003 – 2007, Công ty TNHH TMDV Bảo Thanh (Công ty Bảo Thanh) thu mua thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo tiêu chuẩn EurepGAP với nhiều giá khác nhau (từ 23.000 – 39.000 đồng/kg). Nhưng, Chi cục Thuế quận 6 (CCT Q.6) cho rằng công ty thu mua thanh long giá cao nên phải bị ấn định lại giá mua từ 15.000 – 23.000 đồng/kg và buộc công ty phải nộp thuế thu nhập DN (TNDN).

Tháng 8.2009, bà Lê Tấn Thị Việt Thanh, GĐ Công ty Bảo Thanh bị CCT Q.6 phạt hành chính 737.054.226 đồng, công ty bị truy thu thuế TNDN 1.708.238.878 đồng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 47.690.484 đồng, tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ quan thuế buộc bà Thanh chịu trách nhiệm thi hành quyết định và không được khấu trừ số thuế GTGT bị truy thu. Bức xúc, bà Thanh và Công ty Bảo Thanh đâm đơn khiếu nại.

Theo TAND Q.6, CCT Q.6 căn cứ vào các lời khai về giá bán thanh long cho Bảo Thanh để làm cơ sở ấn định lại giá mua là chưa phù hợp bởi các lời khai này trước sau bất nhất. Hơn nữa, giá mà cơ quan thuế khảo sát ở các chợ chưa phù hợp với tình hình thực tế khách quan (thanh long theo tiêu chuẩn EurepGAP)… Cho nên, việc CCT Q.6 ấn định lại giá mua thanh long và truy thu thuế của Bảo Thanh là không có đủ cơ sở. Ngoài ra, công văn của Công an quận 6 đã trả lời CCT Q.6 là chưa thấy dấu hiệu Bảo Thanh lập chứng từ khống để trốn thuế. Hơn nữa, CCT Q.6 tuy đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng vẫn giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định… Qua đó, tòa xử CCT Q.6 thua.

Vụ kiện khác cũng ly kỳ không kém là Công ty TNHH Kim Cương Ki Ta (gọi tắt Ki Ta)  khởi kiện Chi cục trưởng CCT Q.1. Ngày 12.7.2010, TAND Q.1 xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính trên.

Theo bản án sơ thẩm, bà Nguyễn Ngọc Tú, đại diện hợp pháp của Ki Ta, cho biết, công ty bị CCT Q.1 xử phạt 10% thuế GTGT khai sai hơn 31 triệu đồng, phạt chậm nộp thuế GTGT 21 triệu đồng, truy thu thuế GTGT năm 2008 là 314,6 triệu đồng, tổng cộng hơn 367 triệu đồng. Lý do là kê khai tính thuế hoạt động chế tác nữ trang không đúng quy định.

Cục Thuế TP.HCM vừa bị thua kiện trong 2 vụ liên tiếp trong tháng 9. Cụ thể là vụ Công ty may mặc Dinsen Việt Nam kiện Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM liên quan đến việc thu hồi hơn 2 tỉ đồng tiền hoàn thuế; Công ty Dintsun Việt Nam kiện Cục Thuế TP.HCM cũng với vấn đề tương tự.

Theo phía Ki Ta thì hoạt động gia công các sản phẩm bằng vàng được tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT. Còn CCT Q.1 cho rằng, trường hợp Ki Ta phải áp dụng phương pháp tính thuế GTGT đối với hoạt động gia công các sản phẩm bằng vàng theo phương pháp khấu trừ là đúng quy định của Luật Thuế GTGT.

Bản án sơ thẩm của TAND Q.1 khẳng định trường hợp Ki Ta được áp dụng khai thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT, nên không vi phạm pháp luật về thuế. Vì vậy, quyết định của CCT Q.1 là không có căn cứ. Từ đó, tòa xử CCT Q.1 thua.

…DN lãnh đủ

Ngày 14.9, TAND Q.1 xét xử phúc thẩm vụ kiện của Ki Ta, tuy nhiên đại diện CCT Q.1 vắng mặt nên phiên tòa hoãn lại đến ngày 24.9. Nhưng, phiên xét xử phải hoãn phần tuyên án vì tính phức tạp của vụ kiện.  Đến ngày 28.9, tòa tuyên án nhưng lại phát sinh tình tiết nên dời qua ngày 29.9. Vào ngày này, đại diện CCT Q.1 vắng mặt, và tòa tuyên án Ki Ta thắng. Còn vụ án trái thanh long của Bảo Thanh, CCT Q.6 kháng cáo lên TAND TP.HCM. Trong phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 14.9, tòa hủy bản án sơ thẩm bởi cho rằng TAND Q.6 vi phạm thủ tục tố tụng và phải chờ xử lại.

Bà Thanh, GĐ Công ty Bảo Thanh, theo đuổi vụ kiện mà không có luật sư. Trong phiên xét xử phúc thẩm, bà Thanh đến phòng xử một mình với vẻ mặt bình thản và cho biết, sẽ theo đến cùng vụ kiện. Về những thiệt hại mà bà Thanh và Công ty Bảo Thanh gánh chịu, bà Thanh bảo rằng 2 tỉ đồng vẫn còn quá ít. “Rất tiếc là các chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ để đòi bồi thường”, bà Thanh bức xúc.

Còn bà Nguyễn Ngọc Tú, đại diện Công ty Ki Ta, cho biết thời gian mà cơ quan thuế kiểm tra công ty, bà đã lên xuống CCT Q.1 gần 40 lần, từ năm 2008 qua năm 2009. “Tôi thấy mình bị hành kinh khủng, mất thời gian đi lên đi xuống. Có lúc tôi tự hỏi, sao công ty cùng lĩnh vực nào cũng tính thuế trực tiếp, mà mình lại bị khấu trừ? Hơn nữa, các năm trước đó Ki Ta cũng tính thuế như vậy thì không bị gì. Do không tập trung kinh doanh, ước tính năm 2010 doanh thu công ty bị giảm 40%. Đấy là chưa tính những tổn thất về tinh thần”,  bà Tú nói.

Theo luật sư Trần Xoa, Đoàn luật sư TP.HCM, chỉ trong tháng 9 có tới 10 vụ khiếu kiện Cục Thuế TP.HCM, chưa tính ở các chi cục. Nguyên nhân một phần do các quy định thuế được đưa ra thiếu nghiên cứu đầy đủ, như thuế thu nhập cá nhân có cả chục thông tư, công văn thì hàng trăm cái, khiến mọi thứ trở nên rối ren. Các cuộc họp lấy ý kiến DN cho các thông tư chỉ mang tính hình thức; có thông tư ban hành không được đưa lên mạng để lấy ý kiến góp ý. “Tôi tính đến ngày 10.9, trung bình mỗi ngày Bộ Tài chính ban hành một thông tư, không tính thứ bảy và chủ nhật, có thông tư hàng trăm trang. DN họ lo kinh doanh, chứ đâu thể lo đọc văn bản”, ông Xoa bình luận.

Ngoài ra, bản thân cán bộ thuế cũng không nghiên cứu kỹ văn bản. Cho nên, ở các cuộc đối thoại thuế với DN do Cục Thuế TP.HCM tổ chức, luôn có chuyện DN phàn nàn cán bộ thuế không nắm luật, gây khó khăn cho DN. “Tuy nhiên, DN buộc phải học luật, để nếu làm sai thì còn biết đường mà sửa chữa, cũng như nếu bị ăn hiếp thì có vũ khí để cãi lại”, ông Xoa khuyến cáo.

N.Trần Tâm
Nguồn: Báo Tuổi trẻ  điện tử