Thoả thuận lãi suất: Ngân hàng mừng, doanh nghiệp lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

  Các ngân hàng cho biết đang nghiên cứu phương án thoả thuận lãi suất với khách hàng – theo mức độ hiệu quả, rủi ro của từng dự án. Một số doanh nghiệp cho hay đã nhận được đề nghị từ phía ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay vốn mới đối với những hợp đồng đã ký kết trước đó.
  Doanh nghiệp: Chấp thuận chứ không phải thoả thuận
Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng dân dụng tại Hà Nội cho biết, công ty đang có hợp đồng tín dụng đầu tư sản xuất gạch lát nền, đáo hạn vào cuối năm. Ngày 1/3, ngân hàng cung cấp vốn đã mời đại diện công ty đến làm việc để thoả thuận việc nâng lãi suất “cho phù hợp với cơ chế mới của Ngân hàng Nhà nước”. Ông này lo lắng: “Nói là thoả thuận, nhưng thực ra là chấp thuận theo mức lãi suất phía ngân hàng đưa ra. Dự án đang triển khai, chúng tôi không chấp thuận thì đào đâu tiền mà trả nợ”. 

Ông Trần Hoài Bắc, Tổng giám đốc Công ty phát triển hạ tầng Công thương Hà Nội, đồng quan điểm: “Gần như không có thoả thuận nào cả. Vốn ít, trong khi nhu cầu nhiều, ngân hàng bao giờ cũng nắm đằng chuôi”. 
  Bởi vậy, các doanh nghiệp đều lo lắng, mặt bằng lãi suất vay vốn chắc chắn sẽ tăng lên. Chủ một doanh nghiệp quy mô nhỏ trong ngành gỗ tại Bình Dương cho biết, doanh nghiệp của ông đang phải chịu lãi suất vay 16%. Đây cũng là mức phổ biến mà các ngân hàng áp dụng cho khách hàng không thường xuyên. “Mức lãi vay này đã quá cao. Nay với cơ chế mới, lãi suất vay vốn có thể lên tới 18%, doanh nghiệp ít vốn tự có khó cầm cự”, ông này e ngại.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vinamit, cho rằng, các ngân hàng sẽ tập trung cho vay tiêu dùng hơn là cho sản xuất, kinh doanh bởi dễ thoả thuận được lãi suất cao hơn. Như vậy, dòng vốn dành cho các doanh nghiệp cũng không dễ gì được khơi thông, dù doanh nghiệp đã phải chấp thuận lãi suất cao hơn mức trần trước đó.
  Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng
Trước những lo lắng của doanh nghiệp, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Nguyễn Đức Vinh chia sẻ, mặt bằng lãi suất phản ánh quan hệ cung – cầu giữa người có vốn với người cần vốn. Người gửi tiết kiệm luôn muốn hưởng lãi suất cao, ngân hàng cũng phải cho vay cao, nhất là với nguồn vốn trung và dài hạn – lâu nay luôn trong tình trạng khan hiếm. Nhận định việc thoả thuận lãi suất sẽ đẩy mặt bằng chi phí vốn tăng lên, song ông Vinh cũng cho rằng, cơ chế cũng sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh chung. Bản thân các ngân hàng cũng phải tìm mọi cách giảm chi phí để có thể huy động và cho vay mức lãi suất hợp lý nhất, các doanh nghiệp phải tính toán, lựa chọn dự án hiệu quả mới dám đầu tư, do vậy sẽ sàng lọc được dự án, doanh nghiệp hoạt động chất lượng thấp.

“Về cơ bản, nền kinh tế đang cần vốn, ngân hàng có điều kiện để lựa chọn khách hàng, dự án vay. Nhưng, với những khách hàng tốt, dự án tốt, bản thân các ngân hàng cũng phải cạnh tranh để được phục vụ”, ông Vinh nói và cho biết thêm, Techcombank đang nghiên cứu phương án lãi suất mới sao cho bù đắp được chi phí huy động, đồng thời bảo đảm để doanh nghiệp có thể tiếp cận, đầu tư, sản xuất. Nguyên tắc là dự án rủi ro cao, lãi suất cao và ngược lại. 

Đây cũng là nguyên tắc của hầu hết các ngân hàng trong việc xét duyệt dự án vay của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khẳng định sẽ rất chặt chẽ về điều kiện vay vốn, để đảm bảo nguồn tài chính được sử dụng hiệu quả, đảm bảo khả năng thu hồi vốn. 

Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm lưu ý, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước phải nâng cao một bước hiệu quả quản lý, kiểm soát dòng vốn. Bởi với cơ chế mới, chi phí vốn tăng làm giá thành hàng hoá, dịch vụ tăng, mặt bằng giá cả nâng lên, tạo thêm áp lực kiểm soát lạm phát. Càng đáng ngại hơn nếu dòng vốn lại đổ vào những dự án kém hiệu quả, cung tiền tăng lên nhưng hàng hoá không tăng tương ứng, ngân hàng cũng khó thu hồi nợ. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Mặc dù được thoả thuân, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ nên tối đa là 16%/năm, nếu vọt lên tới 18 – 20% mỗi năm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế”.  
Nguồn: TTVN I Báo Thị trường Việt Nam