Thu hút FDI vào nông nghiệp: Vực dậy bệ đỡ nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Được cho là trụ đỡ nền kinh tế những giai đoạn khó khăn, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là sản xuất thô sơ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. Đặc biệt trước áp lực tái cơ cấu hướng đến nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề đặt ra là làm thế nào thu hút được đầu tư tư nhân và đầu tư FDI để hợp lực với đầu tư công đưa nông nghiệp Việt Nam lên cấp độ phát triển cao hơn. Đó cũng chính là mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt ra khi xây dựng đề án tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020.
Nói về thực trạng hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, vốn FDI cho nông nghiệp chủ yếu là những dự án nhỏ. Nhưng, ông cũng thừa nhận, thực tế đầu tư cho nông nghiệp thì rủi ro lớn bởi khó lường trước thiên tai, dịch bệnh. Nhà đầu tư cũng phải làm việc với quá nhiều đầu mối sản xuất là các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, rủi ro phá bỏ hợp đồng rất cao.
Chính vì thế, ông Nguyễn Bá Cường, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, Việt Nam vẫn chưa thu hút được vốn FDI từ các nước có nền nông nghiệp mạnh như: Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU”. Phần lớn dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Vốn FDI thường tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm, lâm sản, chăn nuôi và thức ăn gia súc.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE) cho biết thêm, vốn FDI vào nông nghiệp còn rất hạn chế so với tiềm năng, do các địa phương thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém… là những trở ngại lớn ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào nông nghiệp Việt Nam.
Vì những lý do trên, đề án tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, được Bộ trưởng Cao Đức Phát kỳ vọng, có thể đạt các mục tiêu hút vốn ngoại bù đắp nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn tới. Cụ thể, dự thảo đề án đã đưa ra 10 chính sách khuyến khích FDI trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, ưu đãi từ vốn tín dụng, thị trường, đến đất đai, nguồn nguyên liệu, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực… Đặc biệt, nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự bình đẳng không phân biệt giữa nhà đầu tư FDI và trong nước.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư FDI vào nông – lâm – ngư nghiệp giai đoạn 2014 – 2020 và các giai đoạn tiếp theo; các giải pháp vận động đầu tư thích hợp; xây dựng chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề khác; dựa trên định hướng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các đề án phát triển chuỗi giá trị nông – lâm – thủy sản cho các sản phẩm chủ lực nhằm khắc phục tình trạng cắt đoạn về chính sách theo chuỗi và nâng cao giá trị nông – thủy sản; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư chiều sâu và có trọng điểm…
Góp ý với bản đề án, bà Kwakwa lưu ý, Việt Nam nên nhìn lại những gì đã làm để thấy vì sao các biện pháp đã triển khai chưa hiệu quả để khắc phục trong bản đề án. Để thu hút được nhiều hơn nguồn vồn FDI, theo các chuyên gia, chúng ta phải chú ý tới lợi nhuận cho nhà đầu tư trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Ông Toàn nhắc lại đề án mặc dù đã chỉ ra những nguyên nhân và phân tích đúng thực trạng FDI vào nông nghiệp nhưng cũng cần xác định rõ đâu là nút thắt khiến FDI vào nông nghiệp ảm đạm để có lời giải tốt. Ở điểm này, bà Victoria Kwakwa gợi ý: “Trong nông nghiệp, cần chỉ ra ngành nào có tiềm năng lớn để tập trung thu hút FDI”.
Trong khoảng 16.300 dự án FDI với vốn đăng ký 237 tỷ USD còn hiệu lực, chỉ có hơn 500 dự án đầu tư vào nông – lâm – ngư nghiệp với số vốn gần 3,4 tỷ USD, xấp xỉ 1,5% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Thu TrangNguồn: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/3-thu-hut-fdi-vao-nong-nghiep–vuc-day-be-do-nen-kinh-te-21016.html