Thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển: DN bị “đánh úp”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Được biết, Hải Phòng là địa phương thực hiện việc thu phí kết cấu hạ tầng cảng biển đầu tiên.

Thời gian triển khai quá gấp rút

Được biết, ngày 13/12/2016, HĐND thành phố có Quyết định số 148/2016/NQ- HĐND về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Ngày 26/12/2016, UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực hiện gồm 4 chương, 10 điều. Ngày 31/12/2016, UBND thành phố tổ chức hội nghị thông qua Quyết định 148, và chỉ định ngày 1/1/2017 bắt đầu thu phí.

Chính vì thế, nhiều DN cho rằng: Việc triển khai thực hiện kế hoạch thu phí chỉ trong vòng gần 20 ngày là quá “cập rập”. Việc tăng giá cước không chỉ đơn giản thay đổi là xong mà phải phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng. Việc thống nhất được giá cước cũng phải mất đến mấy tháng. Đó là chưa kể, nhiều DN có đơn hàng với khách hàng từ vài tháng trước nhưng đến đầu năm 2017 hàng mới về và bắt đầu làm thủ tục hải quan, vô hình chung DN sẽ phải bù thêm một khoản phí đáng kể. Dẫu biết rằng, việc thu phí là chỉ đạo chung của Chính phủ, nhưng nhiều DN cũng đề xuất thành phố nên có kế hoạch rõ ràng ít nhất là trước 6 tháng để DN có cơ hội đàm phán với khách hàng.

Ông Nguyễn Tường Anh- PGĐ Cảng Hải Phòng cho biết: “Thời gian triển khai thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng có phần hơi vội. Hơn nữa, hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng continer ở dưới khu cảng Đình Vũ thường xuyên ắc tắc, nếu cộng thêm thời gian làm thủ tục nộp phí thì sẽ càng thêm ắc tắc. Các DN xin đề xuất việc đóng phí nên áp dụng thu theo tháng hoặc theo quý để tạo điều kiện cho DN”.

Mức phí quá cao

Ngoài kiến nghị của các DN về vấn đề thời gian, các DN còn kiến nghị về vấn đề quy định mức phí, chủ yếu liên quan đến hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng rời. Nhiều DN cho rằng mức phí đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo Quyết định 148 là quá cao. Hơn nữa, đối với hàng xuất nhập khẩu, chủ hàng đều đã phải đóng các khoản phí và phụ phí cho hãng tàu, kho bãi: nếu đóng thêm khoản phí theo Quyết định 148 thì có trùng nhau hay không?

Nhiều DN đề xuất thành phố nên có kế hoạch rõ ràng ít nhất là trước 6 tháng để DN có cơ hội đàm phán với khách hàng.

Bởi mức phí đối với hàng lỏng, hàng rời 20.000đồng/tấn là quá cao, sẽ tạo ra độ chênh lệch lớn giữa các địa phương trong khu vực, đẩy các khách hàng sang các địa phương khác có giá thấp hơn, cụ thể là Quảng Ninh. Hiện tại, với mức thu của cảng Cái Lân- Quảng Ninh chỉ 12.000đồng/tấn, chỉ cần một cú điện thoại của chủ hàng là tàu chở hàng có thể quay đầu về cảng Cái Lân ngay lập tức. Hơn nữa, mức phí áp trên sẽ tạo ra độ chênh lệch phí giữa hàng container và hàng rời. Ví dụ, đối với sắt thép (hàng nặng) đóng container cũng chỉ đóng được 7-8 tấn/cont 20feet chỉ mất 250.000 đồng tiền phí nhưng cũng từng đó trọng lượng tính theo phí hàng rời là 400.000 đồng; Đối với hàng dệt may, có đặc điểm là hàng nhẹ và cồng kềnh, nếu đóng container sẽ được nhiều container hơn, đồng nghĩa với việc phí sẽ tăng. Ông Trương Văn Cẩm- PCT, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Đối với hàng dệt may lưu lượng hàng qua cảng Hải Phòng rất lớn, nếu áp theo mức phí như Quyết định 148 của UBND TP Hải Phòng, một năm DN sẽ phải mất thêm mấy tỷ đồng tiền phí”.

Bà Cao Thị Mai Linh- PGĐ Cảng Hoàng Diệu cho biết: “Vận chuyển hàng rời năm 2016 rất khó khăn, dự đoán năm 2017 còn khó khăn hơn. DN thì rất ủng hộ việc nộp phí trên nhưng thành phố lên tính toán mức phí như thế nào cho phù hợp. Trong khi DN nhập hàng đã nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thậm chí phí đường… Khối lượng hàng nông sản, gia súc qua cảng là khá cao, từ 2000 – 5.000 tấn/năm, năm tới sản lượng qua cảng có thể lên tới 1.100.000 tấn. Nếu là vài tấn với mức thu phí 20.000 đồng/tấn là không cao nhưng với sản lượng vài nghìn tấn thậm chí trên 1 triệu tấn thì phí sẽ rất cao, trong khi ở cảng chúng tôi chỉ thu 8.000 đồng/tấn bốc xếp. Với mức thu phí như hiện tại còn cao hơn phí bốc xếp mà Cảng thu của khách hàng. Chúng tôi, đề xuất hàng xuất khẩu lên được miễn giảm, hoặc miễn giảm phí đối với các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu ”.

Những đề xuất, kiến nghị của DN xuất nhập khẩu không hẳn là không có cơ sở, bởi cùng một lúc các DN phải đóng các loại phí khác nhau. Việc phí chồng phí sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho DN vận chuyển, đồng thời đẩy mức giá sản phẩm lên cao làm khó cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Vì vậy, UBND thành phố Hải Phòng lên cân nhắc các kiến nghị của DN, phần nào gỡ khó giúp DN.

Vũ Lan

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp