Thực hiện chủ trương chế biến sâu khoáng sản: Doanh nghiệp tiên phong đang gặp khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiên phong chế biến sâu…

Thái Nguyên là địa phương giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nước ta, song nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh này mới chỉ tập trung khai thác và xuất bán khoáng sản thô.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế, tiến tới không xuất khẩu quặng thô, tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích, vận động các DN trên địa bàn tập trung đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ khoáng sản. Trong số ít các DN tích cực thực hiện chủ trương trên có Công ty TNHH Xây dựng và phát triển nông thôn miền núi. Đầu năm 2006, đơn vị này đã đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan và gang hợp kim, đến cuối tháng 11/ 2009, với 2/4 lò hoàn thiện xây dựng, nhà máy đã cho ra lò mẻ sản phẩm xỉ titan và gang hợp kim cao cấp đầu tiên.

Đây là doanh nghiệp duy nhất (đến thời điểm hiện tại) của miền Bắc và là đơn vị thứ 3 trong nước đầu tư chế biến sâu quặng titan và cho ra đời sản phẩm luyện kim quan trọng này. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thì sản phẩm xỉ titan của nhà máy Cây Châm có hàm lượng 93%, cao hơn một số sản phẩm tương tự hiện có trên thị trường nội địa.

Hiện nay, nhà máy mới vận hành 2/4lò luyện với công suất từ 18 -20 tấn xỉ titan/ngày và từ 16 -17 tấn gang hợp kim/ngày. Theo thiết kế, khi hoàn thành xây dựng và vận hành cả 4 lò luyện thì tổng công suất sẽ đạt trên 20 nghìn tấn xỉ titan/năm và 10 nghìn tấn gang hợp kim/năm. Các sản phẩm xỉ titan của công ty hiện đang được tiêu thụ tại hai thị trường chính là Nhật Bản và Trung Quốc, còn sản phẩm gang hợp kim được cung cấp cho ngành công nghiệp đúc (đúc chi tiết máy) trong nước.

Ông Trương Đình Việt – Giám đốc công ty – cho biết, trước đây, ngay cả khi tuyển tinh và xuất bán, mỗi tấn quặng titan DNsẽ mất không khoảng 400kg gang hợp kim cho phía đối tác. Tính ưu việt mà lâu nay ít người biết đến của công nghệ luyện xỉ titan Cây Châm là tận dụng triệt để thành phần gang hợp kim sẵn có trong quặng titan.

… Và đang gặp khó

Ngay từ những ngày đầu khởi động dự án, Công ty TNHH Xây dựng và phát triển nông thôn miền núi đã gặp phải không ít khó khăn. Đơn vị thực hiện đầu tư đúng vào giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế trong nước đang ở cao trào (năm 2006-2008) nên khó khăn về vốn là điều không thể tránh khỏi. “Nếu liên doanh, liên kết với nước ngoài như các đơn vị khác ở các tỉnh phía Nam thì khá hơn, còn độc lập đầu tư bằng vốn tự có thì không tránh khỏi những khó khăn. Nhưng chúng tôi đã tìm mọi cách khắc phục để có vốn đầu tư xây dựng nhà máy” – ông Việt bùi ngùi – “Thế nhưng, sau một thời gian đi vào hoạt động, mặc dù sở hữu mỏ quặng titan Cây Châm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) với trữ lượnng 30 nghìn tấn, nhưng sau hơn 4 năm khai thác (từ năm 2006), hiện trữ lượng quặng còn lại chỉ có thể phục vụ nguồn nguyên liệu cho nhà máy vận hành 2 lò trong vòng 1 năm nữa”. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà máy luyện xỉ titan đang đứng trước tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, đấy là chưa kể trường hợp vận hành đủ 4 lò luyện. Hiện nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng, vừa vận hành vừa chờ nguyên liệu bổ sung, trong khi phải đảm bảo lương và việc làm cho gần 200 công nhân.

Cần kíp sự hỗ trợ

Theo kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn thì trữ lượng quặng titan của tỉnh Thái Nguyên hiện có từ 4 – 5 triệu tấn. Đến thời điểm này, tỉnh đã cấp một số mỏ titan trữ lượng tương đối lớn cho một số DN, tuy nhiên mới chỉ có Công ty TNHH Xây dựng và phát triển nông thôn miền núi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu.

Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho DN, ngày 28/3/2011, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó có khu vực quặng titan làng Lân – Hái Hoa thuộc xã Động Đạt và Phấn Mễ (huyện Phú Lương) với diện tích khoảng 590ha. Đây là khu vực nằm trong danh mục các dự án thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007 và cho phép điều chỉnh tiến độ thăm dò giai đoạn 2007-2015. Theo tính toán, khu vực mỏ này có trữ lượng khoảng 600 nghìn tấn. Nếu được khai thác thì sản lượng quặng có thể đủ cung cấp nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy trong vòng 10 năm.

Đến ngày 25/5/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp giấy phép thăm dò quặng titan tại khu vực làng Lân – Hái Hoa, huyện Phú Lương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã đầu tư vào nhà máy luyện kim hiện đang thiếu nguyên liệu sản xuất.

Công ty TNHH Xây dựng và phát triển nông thôn miền núi hy vọng, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan sớm thông qua chủ trương cho phép khai thác khu vực mỏ làng Lân – Hái Hoa để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, đảm bảo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động của đơn vị.

Hoàng Châu
Nguồn: Báo điện tử Công thương