Thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Hạn chế từ nhiều phía
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê, số lượng DN VN đăng ký bảo hộ tại cơ quan hải quan để được bảo vệ cho chính sản phẩm của mình còn rất khiêm tốn (chiếm chưa đến 2% trong tổng số đơn được cơ quan hải quan chấp nhận bảo hộ). Trong khi đó, tình trạng hàng hoá mang nhãn hiệu của các DN VN đã có uy tín trên thị trường bị làm giả từ nước ngoài, sau đó được chuyển lậu vào nội địa tiêu thụ đã được cảnh báo từ một vài năm trước.

DN thờ ơ tạo cơ hội cho hàng giả

Cơ quan hải quan đã chủ động thông báo về việc đã xuất hiện hàng giả của chính DN nhưng một số DN nhận được thông báo lại không có sự phản hồi để cùng với cơ quan hải quan xây dựng những biện pháp phối hợp triển khai trong thực tế. Chính sự “thờ ơ” của các DN đã tạo cơ hội cho hàng giả xâm nhập nội địa, ảnh hưởng đến uy tín của chính DN, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế và xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là DN VN chưa thật sự định giá đúng giá trị của tài sản trí tuệ đối với sản phẩm do mình tạo ra, cũng như chưa nhận thức hết tác hại của hàng giả đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Chậm hướng dẫn luật

1/1/2010 là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2005 có hiệu lực. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Lý do của sự chậm trễ này, là còn chờ sửa đổi Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 cũng như chờ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (VPHC), sự chậm trễ của Bộ KHCN trong công tác xây dựng Nghị định mới thay Nghị định 106/2006/ NĐ-CP ngày 22/9/2006 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp để phù hợp với nội dung Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý VPHC ngày 2/4/2008 cũng có ảnh hưởng nhất định đến công tác của ngành Hải quan. Theo quy định của Pháp lệnh 2008, mức phạt tiền đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực SHTT là không quá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Nghị định 106/2006/NĐ-CP không có quy định giới hạn của mức tiền phạt và vẫn căn cứ vào giá trị của hàng hóa vi phạm để xác định khung hình phạt. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn là nếu cơ quan hải quan căn cứ Nghị định 106/2006/NĐ-CP để xử phạt thì mức phạt tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng thì tuy đúng với nghị định nhưng lại không phù hợp với pháp lệnh.

Ngoài các nguyên nhân trên đây, phía DN cũng cho rằng phía Hải quan cần linh hoạt trong xử lý vụ việc. Cụ thể như nên có quy định về việc phối hợp giữa Hải quan và chủ sở hữu quyền trong việc được xem qua hàng hóa trong thời hạn 3 ngày thông báo trước khi chủ sở hữu quyền quyết định có tạm dừng làm thủ tục hải quan hay không. Trường hợp hàng vi phạm có số lượng ít, để lẫn với các loại hàng khác, địa điểm phát hiện ở xa (hàng vi phạm ở biên giới phía Bắc nhưng chủ sở hữu quyền lại ở TP HCM) cần có cơ chế cho phép chủ sở hữu quyền được xác định hàng thật – hàng giả trên cơ sở ảnh do cơ quan hải quan cung cấp hoặc DN có thể nộp một khoản tiền vào tài khoản của cơ quan hải quan để cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian 1 năm, trong thời gian đó cơ quan hải quan vẫn bắt giữ và thông báo cho chủ sở hữu quyền việc xử lý của cơ quan hải quan, hàng quý hoặc hết năm hai bên sẽ cùng thống nhất phối hợp tiến hành việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật…

Với những tồn tại chưa giải quyết như hiện nay, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả vẫn là bài toán khó.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp