Thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại: Còn nhiều rào cản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kém hiệu quả

Hiện, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định và tương đối đầy đủ. Cụ thể, năm 2002, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 42 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, năm 2004, Pháp lệnh số 20 về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, Pháp lệnh số 22 về chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng được ban hành, đi kèm với đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Về cơ bản, nội dung của các pháp lệnh đều bám sát quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ để cơ quan thực thi tiến hành điều tra.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam mới chỉ tiến hành 6 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 4 vụ điều tra tự vệ và 2 vụ điều tra chống bán phá giá. Trưởng phòng Điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh Phạm Châu Giang cho rằng, con số này “khá khiêm tốn” khi so sánh với khoảng 100 hàng hóa của Việt Nam đang bị các nước điều tra phòng vệ thương mại. Bởi trên thực tế, đây là việc rất khó, phải bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế và phải chấp nhận trả giá khi tác động ngược lại tới doanh nghiệp trong nước cũng như người tiêu dùng. Do đó, “cơ quan quản lý phải cân nhắc thật kỹ” và không phải cứ tiến hành nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại đã là tốt.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam thừa nhận, thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại hiện còn nhiều rào cản, bộc lộ nhiều điểm yếu. Cụ thể, nhận thức chung của toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp chưa cao, mặc dù công tác tuyên truyền đã được triển khai. Bên cạnh đó, chính cơ quan quản lý cũng có sự lúng túng nhất định, vì đây là lĩnh vực còn mới, nguồn nhân lực hạn chế cả về số lượng và năng lực. Song, ông nhấn mạnh, “quan trọng nhất vẫn phải là nhận thức từ doanh nghiệp. Hiện, đơn của doanh nghiệp gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị điều tra phòng vệ thương mại còn quá ít, trong khi đây là cơ sở vô cùng quan trọng để thực hiện phòng vệ thương mại”.

Nâng thành luật để tăng tính pháp lý

Từ những bất cập trong thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại hiện nay, theo các chuyên gia, quan trọng nhất phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý; nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ quản lý nhà nước thực hiện điều tra phòng vệ thương mại để việc thực thi hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, doanh nghiệp phải chủ động trước tiên trong việc nắm bắt thông tin, tăng nhận thức về phòng vệ thương mại. Các hiệp hội cũng cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong hoạt động tư vấn ban đầu, định hướng cho doanh nghiệp nhằm giảm chi phí. Ngoài ra, chính sách cần làm rõ cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tố tụng; hỗ trợ các bên có liên quan, đặc biệt là nhóm bị ảnh hưởng khi áp dụng phòng vệ thương mại.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương Trần Đỗ Quyên xác nhận, hiện, Bộ đang soạn thảo Luật Quản lý ngoại thương. Theo đó, sẽ đưa nội dung 3 pháp lệnh về phòng vệ thương mại hiện hành vào trong luật, đồng thời bổ sung quy định về lẩn tránh thuế. Việc đưa phòng vệ thương mại vào trong luật, thay vì pháp lệnh được kỳ vọng sẽ nâng cao tính pháp lý, vai trò của cơ quan điều tra cũng như tính khả thi trong áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ sửa đổi pháp luật về phòng vệ thương mại là chưa đủ. Bởi, phòng vệ thương mại liên quan nhiều hệ thống pháp luật khác, trong đó có tiếp cận thông tin. Do vậy, các luật khác có liên quan cũng cần được xem xét, rà soát điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, cơ quan quản lý phải mở rộng phạm vi thông tin về xuất nhập khẩu – vấn đề lâu nay vẫn được coi là “mật” đối với doanh nghiệp.

Thanh Vũ
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=373095