Thuế không thể là lý do tăng giá sữa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế chỉ chiếm phần rất nhỏ trong giá bán

Ông Nguyễn Tuấn Khải – một chuyên gia trong ngành sữa đã từng tham gia quản lý Nhà nước về sữa và nay đang kinh doanh sữa cho biết: giá thành là một bí mật kinh doanh của DN nhất là đối với thị trường sữa đang cạnh tranh rất quyết liệt như hiện nay thì việc xác định giá thành sữa là điều rất khó.

Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định. sữa bột nguyên liệu chỉ chiếm một phần trong giá thành và tất nhiên thuế đánh trên sữa bột nguyên liệu dù có tăng lên một mức nữa cũng không thể chiếm một tỷ lệ lớn. Vì thế, lý do tăng thuế sẽ phải tăng giá sữa là không thuyết phục.

Tin liên quan tại Báo điện tử VietNamNet

Sữa bột trên thị trường hiện có hai loại: loại nhập khẩu nguyên sản phẩm và loại nhập khẩu nguyên liệu về chế biến trong nước. Đối với sữa nhập khẩu nguyên sản phẩm thì dễ xác định vì có giá nhập khẩu, thuế và chi phí bán hàng… Tuy nhiên, đối với sản phẩm này cái khó chính là kiểm định giá nhập khẩu vì có thể xảy ra chuyện “chuyển giá” khiến cho giá nhập khẩu bị đẩy cao, cộng thêm chi phí bán hàng, hoa hồng đại lý nên giá bán lẻ thường rất cao, gấp 3 – 4 lần sữa trong nước. Đối với sữa nhập khẩu nguyên liệu để chế biến trong nước thì có nhiều chi phí như: chi phí nhập khẩu sữa nguyên liệu, thuế, các loại vitamin và khoáng chất, chi phí nhân công, chi phí tài chính, khấu hao đầu tư nhà xưởng, chi phí bán hàng, quảng cáo và thương hiệu…

Theo phân tích của các chuyên gia, trong sản xuất sữa bột, nếu như chi phí sữa bột nguyên liệu là 1 thì chi phí cho các loại vitamin và khoáng chất sẽ là 2, đó là chưa kể đến các chi phí khác như: nhân công, lãi suất, khấu hao, vận chuyển… Nói như thế để thấy, sản xuất sữa bột tốt sẽ có nhiều chi phí nhưng trong đó sữa bột nguyên liệu chỉ là một phần vì thế thuế tính trên sữa bột nhập khẩu chỉ là một phần nhỏ. Không thể nói thuế tăng 10% thì giá sản phẩm cũng lên 10% mà có khi tính ra chỉ tăng không đáng kể (1 – 2 %). Đó là chưa kể xu hướng giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm thì số tiền thuế thực đóng cũng càng giảm đi.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là một sản phẩm sữa đến tay người tiêu dùng thì chi phí sản xuất thực có khi chỉ chiếm 40 – 50%,  còn 50% – 60% khác là chi phí cho bán hàng và lưu thông. Đây là một khoản chi phí khó kiểm soát và do cạnh tranh giữa các DN… khiến cho giá cả tăng cao.

Chính sách xa vời sẽ không có hiệu quả 

Phát triển và bình ổn thị trường sữa không thể trông chờ mỗi thuế. (Ảnh: VNN)

Chuyện tranh cãi về thuế nhập khẩu trong những ngày qua giữa một bên là Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn muốn nâng thuế lên với lý do để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi một bên là Bộ Tài chính muốn giữ thuế để bình ổn giá có lợi cho người tiêu dùng và đề xuất chỉ tăng những dòng sữa nước. Tuy nhiên, nếu nhìn từ thực tế ngành sữa Việt Nam trên đây thì cả hai đề xuất này đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn.

Nâng thuế để bảo vệ sản xuất trong nước – phát triển chăn nuôi là khó vì thuế chỉ chiếm phần rất nhỏ trong giá thành nên có tăng thuế cũng sẽ tác động rất nhỏ đến giá thành bán lẻ, trong khi đó sữa trong nước mới đáp ứng được 20% nguyên liệu thì chắc chắn nhà sản xuất không thể không nhập. Hơn thế, các DN cũng khó mặn mà với phát triển nguyên liệu trong nước vì phải đầu tư lâu dài, tốn kém. Trong khi đó mua sữa của dân không có hóa đơn nên không được khấu trừ chi phí sản xuất qua thuế VAT mà lại tốn công sức và rủi ro trong chăn nuôi.

Nhưng nếu giữ thuế thấp để bình ổn giá và chỉ tăng thuế đối với các loại sữa nước cũng là điều không thực tế. Bởi vì khi thuế đã chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá thành thì giữ thuế hay tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa bột cũng không có nhiều ý nghĩa. Nhất là khi chúng ta không kiểm soát được giá nhập khẩu đối với sữa ngoại cũng như những chi phí không hợp lý trong bán hàng của DN đang chiếm tới gần 50% giá bán lẻ. Còn sữa nước dường như không ai nhập khẩu thì việc tăng thuế liệu có ý nghĩa gì?

Hy vọng tăng thuế để phát triển đàn bò sữa trong nước là quá xa. Cách duy nhất để phát triển đàn bò sữa và sản xuất sữa nguyên liệu vẫn phải hỗ trợ trực tiếp cho nông dân con giống tốt, kỹ thuật tốt, ưu đãi tài chính… Đây là cách các nước đã làm thành công. Bên cạnh đó, cần khuyến khích DN gắn bó với nông dân thông qua chính sách ưu đãi phát triển vùng nguyên liệu và nhất là có phương án khấu trừ VAT cho DN mua sữa của nông dân làm ra để giảm gánh nặng chi phí bất hợp lý cho DN. Nếu được khấu trừ hợp lý đó chính là lợi nhuận mà DN sẽ chia sẻ lại với nông dân.

Phước Hà
Nguồn: Báo điện tử VietNamNet