“Thuế thu nhập cá nhân có thể giảm sớm hơn lộ trình”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo bộ trưởng Huệ, thời điểm nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng như người phụ thuộc tuỳ thuộc vào việc luật ban hành vào thời điểm nào.

Có thể giảm nhanh thuế TNCN

Nếu theo lộ trình dự kiến, luật thuế TNCN sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay; được thông qua vào kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2013) và có hiệu lực vào đầu năm 2014 (sau sáu tháng ban hành). Tuy nhiên, những nội dung cần được sửa đổi, nhất là liên quan đến chính sách giảm trừ gia cảnh, nếu tạo được sự đồng thuận cao, có thể thông qua ngay trong một kỳ họp thì có thể thực hiện sớm hơn.

Về mức giảm trừ gia cảnh cụ thể, bộ Tài chính vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục bàn, để trình thường trực Chính phủ trong tháng 6 và đến nay vẫn chưa “chốt” phương án cụ thể nào. Việc giảm tỷ lệ động viên và khoan sức dân không chỉ ở mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh mà còn tính đến cả giãn biểu thuế. Như vậy một phần thuế đáng lẽ phải nộp ở bậc cao giờ được chuyển xuống nộp ở bậc thấp hơn.

Sản xuất kinh doanh đình trệ do sức cầu quá thấp, liệu bộ Tài chính có tính đến việc đề xuất ngay cơ chế mềm nào đó nhằm giảm, giãn, miễn thuế TNCN như từng áp dụng năm 2008 – 2009? Trả lời câu hỏi này, ông Huệ cho biết, Chính phủ đang giao cho bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, cập nhật tình hình, cả về lạm phát, môi trường sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, báo cáo, đề xuất ngay trong kỳ họp thường trực Chính phủ tháng 6, trên cơ sở đó xem xét, báo cáo Quốc hội. Nội dung báo cáo, đề xuất bao gồm các chính sách cả về thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT)… và đều phải trên cơ sở diễn biến thực tế. “Chẳng hạn, khi chúng ta đưa ra gói giảm, giãn thuế… lạm phát lên tới hơn 20%, nhưng trong điều kiện hiện nay, lạm phát đã được kiểm soát, từ đầu năm đến nay chỉ còn 2,6%. Tuy mặt bằng giá vẫn còn cao, nhưng biện pháp đó áp dụng trong tình huống hiện nay đã có sự khác biệt”, bộ trưởng nói.

Giảm thuế GTGT: cần cơ chế ràng buộc

Liên quan đến đề xuất giảm thuế GTGT, nếu thực hiện sớm hơn lộ trình giảm thuế TNCN thì cũng phải nghiên cứu kỹ trên cơ sở cập nhật tình hình và đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Bởi vì cân đối ngân sách hàng năm được xây dựng từ sáu tháng đến một năm trước đó, nên nếu áp dụng chính sách giãn, giảm, miễn… thuế thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến thu ngân sách trung ương mà còn ảnh hưởng đến thu cân đối ngân sách địa phương, mà ngân sách địa phương do HĐND duyệt. Nhiệm vụ chi cũng không giảm được, thậm chí chi an sinh xã hội còn tăng lên, không cân đối sẽ làm bội chi tăng lên so với phê chuẩn của Quốc hội.

Phương án thuế miễn thuế GTGT cho một số đối tượng mới đây chưa được uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội ủng hộ. Riêng thuế GTGT trong cân đối ngân sách vào khoảng 245.00 – 246.000 tỉ đồng, chưa kể thuế GTGT của nhập khẩu.

Ông Huệ nói: “Nếu đề xuất miễn 50% số thuế này, thì lập tức thu ngân sách giảm ngay 130.000 – 135.000 tỉ đồng, chúng ta lấy gì để bù? Cho nên chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu, cập nhật. Hơn nữa thuế GTGT là thuế gián thu, năm 2008 – 2009, chúng ta giảm thuế GTGT trong điều kiện lạm phát rất cao, nhưng bây giờ điều kiện lại khác. Thêm nữa, mục tiêu của chúng ta, giảm thuế GTGT là để các doanh nghiệp giảm giá bán. Nhưng đặt ra một trường hợp là chúng ta giảm thuế mà doanh nghiệp không giảm giá bán thì liệu có cơ chế gì để ràng buộc các doanh nghiệp hay không, ta không thể nào quản lý được. Thế nên cái này phải tính toán rất kỹ.

Cơ chế ràng buộc phải như thế nào? Ông Huệ cho rằng: “Bây giờ phải đánh giá quá trình thực hiện, trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm. Như giai đoạn năm 2009, chúng ta giảm thuế, nhưng thực tế là doanh nghiệp hưởng chứ người tiêu dùng không được hưởng”.

Thảo Nguyễn
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị