Thương mại nội địa sẽ phát triển tốt khi có cơ chế kiểm soát giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2011, thị trường trong nước tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trong điều kiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt, mức lưu chuyển, tiêu thụ hàng hóa vẫn giữ được đà tăng trưởng. Các chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được các địa phương, doanh nghiệp của ngành công thương triển khai tích cực, góp phần cung ứng đủ hàng hóa trong những thời kỳ tiêu dùng cao điểm, góp phần  hạn chế mức tăng giá chung của thị trường. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, thị trường trong nước tiếp tục phát triển, bảo đảm các mặt hàng được cung cấp đủ không tăng giá đột biến. Trong năm 2011, giá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tăng khoảng 23%, nhưng nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì còn khoảng 4 – 5% so với năm 2010. Đây là cố gắng của toàn ngành công thương cũng như của các doanh nghiệp.

Bước sang tháng 12 này, thị trường sôi động hơn so với thời gian trước khi các nguồn hàng, các chương trình khuyến mãi lớn được các doanh nghiệp và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm Tết nguyên đán của nhân dân. Cung cầu của hầu hết các mặt hàng là bảo đảm, giá tiếp tục ổn định như xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng… Tuy nhiên một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, do ảnh hưởng của mưa lũ, giá thế giới, trong khi nhu cầu tăng vào dịp cuối năm nên giá có xu hướng nhích lên. Trước tình hình này, Bộ Công thương đang triển khai Chỉ Thị số 13 về việc bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2011 và Tết Nguyên đán. Các địa phương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời có kế hoạch tổ chức các hội chợ Tết, các trung tâm bán hàng lưu động tại các quận huyện trong tháng giáp Tết. Tới nay đã có 30 địa phương có kế hoạch hoặc phê duyệt kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết. Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Huỳnh Khánh Hiệp cho biết, thành phố đã chỉ đạo cung ứng đủ nguồn hàng, tăng cường đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các mặt hàng bình ổn giá. Tập trung chỉ đạo các tổ công tác liên ngành, kiểm tra về giá, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh pháo lậu, mặt hàng đồ chơi trẻ em nguy hiểm có dấu hiệu xuất hiện nhiều trên thị trường, phải kiên quyết kiểm tra, xử lý. Kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm…

Cũng về vấn đề chuẩn bị nguồn hàng Tết, Phó giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Phạm Đức Tiến cho biết, thành phố đã dành 475 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, tập trung vào các doanh nghiệp lớn để dự trữ hàng hóa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô. Sở Công thương đang phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương… tổ chức đưa hàng về nông thôn. Hết tháng 11.2011 đã đưa được 32 chuyến hàng về các huyện ngoại thành Thủ đô, người dân rất phấn khởi vì hàng hóa có giá cả hợp lý. Trong thời gian này Sở Công thương tiếp tục xây dựng kế hoạch rất cụ thể để đảm bảo cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá cho người dân.

Mặc dù vậy, trong điều kiện lạm phát trong nước vẫn ở mức cao, sức mua của người dân giảm, Phó thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo ngành công thương cần nghiên cứu xây dựng được cơ chế kiểm soát giá cả để quản lý thị trường hiệu quả. Trong khi đó, thị trường còn bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố tâm ly, khiến doanh nghiệp có thể niêm yết giá không đúng hoặc tăng giá không hợp lý. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường vẫn còn khá phổ biến. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, ngành công thương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Năm 2012, ngành công thương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khoảng 20% so với năm 2011, đạt 2.257 nghìn tỷ đồng. Chỉ tiêu này không quá cao, nhưng muốn thực hiện được thì điều kiện tiên quyết là phải kiềm soát được giá hàng hóa, sản phẩm. Bởi trong thời gian qua đã tồn tại nghịch lý là không phải nguồn cung giảm khiến giá tăng, mà ngay cả khi nguồn cung được bảo đảm thì giá vẫn tăng, thậm chí một số mặt hàng tăng phi lý.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân