Thương mại Việt Nam đang trên đà hồi phục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xuất khẩu tăng nhanh

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt trên 70 tỷ USD trong năm nay. Kết quả này là rất ấn tượng trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh trong khi các mặt hàng khác lại tăng cao trong đó phải kể đến 10 mặt hàng là: dệt may, da giầy, thủy sản, điện tử và máy tính, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ (bao gồm cả vàng), gạo, than, các mặt hàng nông sản khác… cho thấy có một sự tăng trưởng đồng đều giữa các ngành hàng xuất khẩu. Ngoài những nhóm mặt hàng trên, những nhóm mặt hàng xuất khẩu khác dự kiến cũng sẽ đạt được mức tăng trưởng 47% trong năm 2010, cho thấy các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn bên cạnh những ngành hàng chủ đạo.

Nhập khẩu cũng cao không kém


Năm 2010 kim ngạch nhập khẩu mặc dù so với mức trung bình các năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Theo đó, năm nay dự kiến tăng khoảng 20% so với mức tăng trưởng âm 13% của năm 2009. Các chuyên gia của WB cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến nhập khẩu tăng là do nhu cầu đầu tư và nguyên liệu đầu vào tăng nhanh đi đôi với sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu.

Ngược lại, nhập khẩu tư liệu sản xuất công nghiệp và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như máy móc, thiết bị, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu lại chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm. Sở dĩ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng chậm là do năm 2010 Chính phủ rút lại các biện pháp kích cầu và trì hoãn một số quyết định đầu tư. Còn nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu giảm sút là nhờ sản xuất trong nước đã dần thay thế một phần cho nhập khẩu.

Cơ hội là “mắt xích” của mạng lưới sản xuất toàn cầu


Năm 2010 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là các nước phát triển. Trong số các đối tác thương mại, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường EU, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Chưa kể tới một số thị trường mới được khai phá trong thời gian gần đây như: Brasil, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi, các nước vùng Vịnh… Trong khi đó, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và các nước Đông Á khác. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng từ 13% (năm 2004) lên gần 34% (năm 2010).

Rõ ràng Việt Nam đang thặng dư thương mại với các nước phát triển, nhưng lại thâm hụt rất lớn với các nước trong khu vực. Theo nhận định của các chuyên gia của WB, điều này đồng nghĩa là Việt Nam vẫn chưa xâm nhập vào được mạng lưới sản xuất toàn cầu với điểm kết thúc là Châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Và Việt Nam đang ở điểm cuối trong mạng lưới sản xuất các mặt hàng chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động như may mặc và giầy dép. “Điều này tạo cơ hội quan trọng cho Việt Nam củng cố mạng lưới cung cấp toàn cầu cũng như sử dụng các hiệp định thương mại khu vực nhằm trở thành một phần của mạng lưới sản xuất này ở toàn khu vực, kể cả Trung Quốc” – Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam của WB nhấn mạnh.

Theo TTXVN