Thủy sản Việt Nam: Vấp rào!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lời ít cũng làm, không lời cũng làm và thậm chí lỗ cũng phải làm” để tạo công ăn việc làm cho lao động cũng như cố gắng duy trì sản xuất. Đó đang là phương châm của nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Năng nhặt chặt bị

Ông Trần Anh Dũng – Giám đốc công ty Nati Food Vũng Tàu cho biết, để khắc phục tình trạng khó khăn về giá nguyên liệu cũng như thị trường thu hẹp, công ty ông đã đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu bằng việc khai thác các khách hàng cũ, khách hàng tiềm năng mà trước kia đã bỏ qua. Vậy mà năng nhặt chặt bị, giá trị xuất khẩu của công ty trong quý II đã tăng lên 20% so với hồi quí I – 2009.

Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản đối phó với những tranh chấp có thể phát sinh

Còn ông Ngô Văn Ích – Giám đốc công ty Nha Trang Food thì cho rằng, tình trạng khan hiếm đã dẫn đến giá nguyên liệu thủy sản liên tục bị đẩy lên. Không chỉ khó khăn về nguyên liệu, hiện nay các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc áp dụng giá điện giờ cao điểm 2 lần trong ngày, khiến ngành sản xuất đặc thù như chế biến thủy hải sản càng khó khăn hơn. Tuy vậy, công ty đã khắc phục tình trạng này bằng cách thay đổi giờ sản xuất chế biến và tăng cường những ca về ban đêm.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 1.736,6 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá đạt 1.334,3 nghìn tấn, tăng 4%; tôm 149,6 nghìn tấn, tăng 3,8%. Sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 988,4 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 911,7 nghìn tấn, tăng 9%. Đặc biệt, thời tiết thuận lợi cho khai thác cá ngừ đại dương nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ, trong đó Phú Yên đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 13,7%; Bình Định 3,2 nghìn tấn, tăng 37%.

Từ những tín hiệu lạc quan trên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo trong quý III tới tình hình xuất khẩu sẽ còn có những chuyển biến tích cực hơn nữa. Tuy nhiên…

Rào cản thương mại

Những rào cản từ các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã và đang được dựng lên. Đơn cử như việc đưa tin không chính xác về chất lượng hàng thủy sản Việt Nam, cùng với các rủi ro khác trong quá trình xuất khẩu đang làm cho hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng không nhỏ. 

Thông tin không chính xác về sản phẩm nhằm đánh tụt uy tín của đối thủ là một “đòn” đang được sử dụng khá phổ biến. Với phương thức dùng các kênh không chính thức, như phương tiện truyền thông, để tung tin, bôi nhọ đối thủ. Khi đối thủ lật ngược được thế cờ, thì đã phải gánh chịu những thiệt hại đáng kể: Lượng hàng bán ra, uy tín sản phẩm giảm; nặng hơn còn bị người tiêu dùng tẩy chay. Đơn cử như việc các cơ quan truyền thông của Ai Cập và Italia đã đưa tin không chính xác về chất lượng cá tra, cá basa vừa qua (dù sau đó đã được chính cơ quan có thẩm quyền của các nước này minh oan cho phía Việt Nam).

Chủ động đối phó

Để chủ động hóa giải vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đang triển khai nhiều giải pháp về tăng cường công bố thông tin, tập trung kiểm soát chất lượng nông sản, tăng cường trao đổi với đối tác nhập khẩu. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản gửi toàn bộ thông tin về quản lý chất lượng cá tra, cá basa của Việt Nam đến Văn phòng Quốc gia SPS Việt Nam nhằm công bố cho toàn thế giới hiểu rõ về chất lượng các sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam.

Cùng với việc chủ động công bố thông tin, các cơ quan chức năng đang tiếp tục siết chặt quản lý chất lượng thủy sản ngay từ khâu nuôi trồng, chất lượng thức ăn, đến chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Phó Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam Bùi Văn Thưởng cho biết, sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong quá trình nuôi, chế biến thủy hải sản, tránh xảy ra tình trạng vì sự không trung thực của một vài cá nhân, doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến toàn ngành.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong nắm bắt diễn biến các thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm nhằm xây dựng kịch bản đối phó sớm với những tranh chấp có thể phát sinh, thì mới giảm thiểu được rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chuyện tranh chấp tay đôi giữa đối tác nước ngoài với các ngành hàng của Việt Nam sẽ ngày một diễn biến phức tạp. Đây là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, nên muốn giảm thiểu rủi ro không còn cách nào khác là lên phương án sẵn sàng đối đầu với đối tác. Muốn giành thế chủ động, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường nắm bắt đặc thù, dự báo diễn biến của từng thị trường. Trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản ứng phó tương ứng có lợi nhất.

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chú trọng đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thủy sản, đáp ứng cơ bản những yêu cầu mà EU quy định. Chính vì vậy, mới đây EU đã cấp phép cho 301 doanh nghiệp thủy sản được xuất vào thị trường EU. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cũng cho biết, Cục Kiểm dịch Động thực vật Liên Bang Nga (VPSS) vừa gửi công thư thông báo danh sách 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Liên bang Nga.

Nguyễn Hà
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp