Tái cơ cấu kinh tế – có cần Luật và Ủy ban Tái cơ cấu không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo UB Kinh tế, lý do để ban hành Luật về tái cơ cấu và UBTCC là để có thể triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và khu vực ngân hàng. Những chính sách này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều nhóm đối tượng và nhiều bộ ngành khác nhau và do đó (theo mạch phân tích) sẽ bị các nhóm lợi ích chống đối quyết liệt, làm giảm hiệu quả và sự thành công của tái cơ cấu kinh tế.

Đồng thời, cũng theo UB Kinh tế, một Luật như vậy sẽ sửa đổi các luật hiện hành có những quy định gây vướng mắc cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và trao cho UBTCC những quyền hạn đặc biệt, nhằm hướng tới việc phối hợp và thực thi nhất quán các công cụ chính sách vĩ mô cần phải theo mục tiêu chung của nền kinh tế. Một ví dụ được UB Kinh tế đưa ra là chính sách tiền tệ không những phải phối hợp hiệu quả với các chính sách khác mà bản thân chính sách này cũng phải được thực thi một cách nhất quán.

Suy cho cùng, chúng ta có thể thấy mong muốn phối hợp và thực thi nhất quán các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô của UB Kinh tế như trên cũng là xuất phát từ lo ngại rằng các nhóm lợi ích sẽ tác động và gây cản trở đến quá trình ban hành và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô mà kết cục là làm cho các chính sách này thường “đá” nhau, và nay thế này, mai thế khác. Trong ví dụ về sự không nhất quán trong chính sách tiền tệ mà UB Kinh tế đưa ra (nới lỏng quá sớm dưới sức ép của tăng trưởng, làm tăng lại lạm phát kỳ vọng), nhóm lợi ích ở đây chính là các doanh nghiệp và họ tác động lên phương hướng chính sách tiền tệ qua việc phàn nàn lãi suất tăng cao gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, làm giảm tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Bởi vậy, rốt cuộc, nếu nhìn từ góc nhìn của UB Kinh tế, gốc rễ vấn đề vẫn chỉ là sự tác động của các nhóm lợi ích, và việc ban hành Luật tái cơ cấu và thành lập UBTCC cũng chỉ là để chế áp tác động của các nhóm lợi ích này.

Nhưng nếu như vậy và ngẫm cho kỹ, sự cần thiết phải ban hành Luật và UBTCC chưa được rõ ràng và thuyết phục. Lý do đầu tiên, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta ban hành các luật để chế tài một vấn đề gì đó. Và cũng không phải lần đầu tiên chúng ta đã thành lập các ủy ban chuyên trách để giải quyết một vấn đề nào đó. Nhưng trên thực tế, kết quả của những luật và hoạt động của các ủy ban này như thế nào thì không ai trong chúng ta không biết rõ, được thể hiện một cách sinh động nhất qua những nhận định trong các báo cáo và văn kiện của Đảng và Chính phủ với những câu như “còn nhiều bất cập”, và  “vẫn diễn biến phức tạp”. Trong những lĩnh vực này cũng có sự có mặt của lợi ích nhóm làm triệt tiêu hiệu quả của các luật và ủy ban chuyên trách. Nhóm lợi ích ở đây có thể là những quan chức và nhân viên thừa hành lợi dụng quyền hạn và những đặc quyền được giao để cấu kết với nhau tham nhũng, hối lộ, chạy án, thậm chí trực tiếp “tay dính chàm” mà không có một cơ quan nào kiểm soát, phát hiện và quản lý được. Như vậy, có thể kết luận ngay rằng ban hành luật và thành lập ủy ban chuyên trách không phải là điều kiện cần để tái cơ cấu kinh tế, hoặc là điều kiện quyết định để tái cơ cấu kinh tế thành công, nhìn từ góc độ chế át lợi ích nhóm.

Lý do thứ hai, bản thân tái cơ cấu kinh tế là một khái niệm (vẫn còn) mơ hồ nhưng chắc chắn bao hàm nhiều lĩnh vực rộng lớn với nhiều luật chế tài tương ứng, không thể thay thế được bởi một luật bao quát, luật đứng trên luật nào đó như Luật tái cơ cấu, để cho ra đời một siêu ủy ban nào đó với quyền lực gần như vô hạn mà hoàn toàn có nguy cơ dẫn đến lạm quyền vì không ai có thể theo dõi, giám sát được.

Nếu chỉ với ý nghĩa như một công cụ để buộc các bên liên quan (các bộ, các địa phương) ngồi lại với nhau và thống nhất được chính sách, phương hướng, nhiệm vụ tái cơ cấu theo một hướng là làm mạnh hóa toàn bộ nền kinh tế và không phải đối mặt với những vấn đề như chính sách bất nhất và mâu thuẫn với nhau do các nhóm lợi ích giật dây v.v… thì những khuôn khổ thể chế và cơ cấu hiện tại, NẾU hoạt động tốt, là đủ để thực hiện nhiệm vụ này. Từng bộ phải thực hiện đúng và làm tốt chức năng chuyên môn của mình. Ví dụ, Bộ Tài chính phải thực hiện thu chi ngân sách lành mạnh, kiểm soát được hiệu quả đầu tư công, đầu tư qua các doanh nghiệp nhà nước (vốn là một nguồn gốc gây bất ổn kinh tế vĩ mô). Ngân hàng Nhà nước thì phải thực hiện mục kiềm chế lạm phát (hỗ trợ tăng trưởng một cách có điều kiện), tăng cường quản trị rủi ro trong hệ thống để các ngân hàng hoạt động lành mạnh trong các chuẩn mực cho phép v.v…. Và tương tự như vậy, khi mỗi một bộ chủ quản thực hiện tốt được chức năng của mình, tạo được môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch và lành mạnh, còn người đứng đầu Chính phủ thì thực hiện tốt vai trò là nhạc trưởng phối hợp khéo léo hành động của các bộ và địa phương với nhau thì tự khắc các cân đối kinh tế vĩ mô sẽ được lập lại (dù đôi khi cần thời gian). Và lúc đó, vấn đề tái cơ cấu kinh tế sẽ đơn giản trở thành quá trình đưa các khuôn khổ thể chế và cơ cấu hiện tại trở lại đúng quỹ đạo vận hành như vốn phải có của chúng. Nói cách khác, thay vì ban hành luật mới và thành lập tổ chức chuyên trách mới, việc cần làm hơn là phải cải cách và buộc khuôn khổ thể chế và cơ cấu hiện tại hoạt động đúng đắn hơn, hiệu quả hơn.

Ngược lại, nếu cho rằng chỉ có Luật tái cơ cấu và UBTCC mới có thể buộc các bộ chủ quản và các địa phương thực hiện tốt các chức năng của mình cùng theo một mục tiêu chung của nền kinh tế thì việc này cũng tương tự như việc hồ nghi về khả năng điều hành và phối hợp các bộ chủ quản của Thủ tướng, cũng chính là người sẽ đứng đầu UBTCC.

Trên hết, cần nhận thức rằng một UBTCC nếu xét về thành phần thì bản chất cũng không khác gì một Chính phủ thu nhỏ (hoặc Chính phủ trong Chính phủ) với Thủ tướng là người đứng đầu và các thành viên là người từ các bộ chủ quản. Nếu cho rằng UBTCC nhất thiết phải có, và khác biệt ở chỗ là có, các chuyên gia tư vấn độc lập thì cũng phải thấy rằng Thủ tướng hoàn toàn có thể thành lập, và trên thực tế đã có, các tổ, các ủy ban tư vấn (độc lập). Mà như thế thì có hay không có UBTCC, mọi việc vẫn như vậy.

Lý do thứ ba, và có liên quan đến 2 lý do trên, là khả năng và quyết tâm thực hiện các chính sách (tiến bộ) mới là điều đáng nói và là điều quan trọng hơn bản thân chuyện đề ra chính sách và tổ chức bộ máy thực hiện chính sách đó. Dù có ra Luật tái cơ cấu kinh tế và thành lập UBTCC thì người thực thi vẫn là các bộ chủ quản thông qua sự điều hành, phân công và phối hợp của Thủ tướng. Đến lượt mình, các bộ chủ quản trong chức năng và phạm vi quyền lực của mình sẽ điều khiển các chủ thể kinh tế qua bộ máy đồ sộ của mình từ trung ương xuống địa phương theo mục tiêu thống nhất. Có thể nghĩ rằng lợi ích nhóm không hiện diện trong cấp độ điều hành cao nhất từ Thủ tướng xuống các bộ trưởng vì chỉ có một Thủ tướng. Tương tự, có thể không cần phải băn khoăn về chuyện tư duy và năng lực hành động của cấp cao nhất. Nhưng khó có thể nghĩ như vậy được khi chúng ta có hơn 20 bộ, hàng nghìn vụ, cục, hàng nhiều nghìn cơ quan quản lý chức năng và chính quyền ở các địa phương v.v… với tư duy, trình độ nhận thức, năng lực hành động rất khác nhau, cũng như khả năng bị tác động bởi nhóm lợi ích đã được nhân lên bội lần.

Nói cách khác, trong bối cảnh vẫn duy trì một bộ máy điều hành hiện tại, với nhân lực/nhân sự hiện tại và cung cách làm việc hiện tại trong môi trường làm việc hiện tại thì việc thành lập ra một UBTCC quy tập những bộ óc ưu tú nhất, trong sạch nhất, tiến bộ nhất v.v… cũng sẽ không làm thay đổi được căn bản tình hình, đơn giản vì nó không thể làm thay được tất cả các công việc của các cấp chính quyền bên dưới.

Những phân tích ở trên dẫn chúng ta đến một nhận định rằng, ngoài chuyện không nhất thiết phải có Luật tái cơ cấu hay UBTCC như một điều kiện cần, điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu kinh tế, sự thành bại của tái cơ cấu phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và hành động của đội ngũ nhân lực tham gia thực hiện tái cơ cấu từ trung ương đến địa phương. Mượn ý của Ts Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ thì chúng ta phải “tái cấu trúc chính cái đầu của chúng ta”, tức là đổi mới và “nâng cấp” tư duy của chúng ta để tái cấu trúc được nền kinh tế. Nếu làm được như vậy thì chuyện vượt qua được các trở ngại chính, ví dụ như sự tác động của nhóm lợi ích, là hoàn toàn khả thi nhờ sự tăng cường minh bạch – là một trong những kết quả và mục tiêu của “tái cấu trúc cái đầu”, và cũng đồng thời là “khắc tinh” của các nhóm lợi ích.

Ts Phan Minh Ngọc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân