Tiếp tục đề xuất dãn thuế trong năm 2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế được các DN cho rằng chưa có tác dụng như mong đợi do hầu hết các DNNVV đều ở tình trạng kinh doanh thua lỗ, không có lãi để nhận sự miễn giảm, dãn đó. Trao đổi bên lề hội thảo chính sách tài chính hỗ trợ DNNVV ngày 23.12, ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) – cho biết:  

– DNNVV được coi là khó khăn hơn các đối tượng DN khác vì tiềm lực chỉ nhỏ và vừa. Nhiều ý kiến góp ý và chúng tôi cũng cho rằng thuế chỉ là một biện pháp, bởi mục tiêu chính của chúng ta là làm thế nào để các DN được hoạt động bình thường mới là điều quan trọng nhất. Năm 2009 và 2010, Quốc hội và Chính phủ đã có biện pháp dãn giảm thuế cho các DNNVV. Sang năm 2011 các DN này cũng được giảm 30% thuế TNDN và dãn thuế 1 năm. Điều này có nghĩa là thuế của quý I/2011 đáng ra phải nộp rồi thì được dãn tới 30.4.2012, số thuế của quý II/2011 thì đẩy sang 30.7.2012, đến 30.10 mới phải nộp số thuế của quý III/2011 và đến 30.1.2013 mới phải nộp số thuế của quý IV/2011. Các DN có một năm để mượn tiền thuế này để kinh doanh. Như vậy chính sách thuế mang thêm màu sắc tín dụng để hỗ trợ các DN.

 Theo dự tính, sẽ có bao nhiêu đối tượng được hưởng thụ chính sách ưu đãi này, thưa ông?

– Với giải pháp gia hạn thuế TNDN cho các DN sử dụng nhiều lao động thì chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 210.500 DN thuộc diện được gia hạn thời hạn nộp thuế năm 2011. Trong đó có 160.500 DNNVV và 50.000 DN sử dụng nhiều lao động. Còn đối với việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 cho DNNVV thì chúng ta đã loại số thuế tính trên thu nhập từ kinh doanh xổ số, BĐS, khai thác khoáng sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và thu nhập từ sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và từ DN là các Cty tổ chức theo mô hình Cty mẹ – Cty con mà Cty mẹ không phải là DNNVV và nắm giữ trên 50% số vốn chủ sở hữu của Cty con. Theo ước tính, giải pháp này cũng sẽ có khoảng 210.500 DN thuộc diện được giảm thuế, trong đó có khoảng 160.500 DNNVV và 50.000 sử dụng nhiều lao động. Dự kiến thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 3.300 – 3.600 tỉ đồng.

Do thời gian thực hiện các chính sách chưa nhiều nên đến thời điểm hiện nay chưa thể có đánh giá cụ thể những tác động thực tế của chính sách giảm, gia hạn nộp thuế trong mối quan hệ với các giải pháp về tín dụng. Tuy nhiên, có thể thấy các giải pháp hỗ trợ về thuế và tín dụng đã góp phần quan trọng giúp các DN, đặc biệt là nhóm chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng như DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực đã giảm bớt khó khăn và chi phí về vốn. Trong thời gian này, số lượng DNNVV giải thể do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn thấp hơn số DN thành lập mới, số lượng DN đăng ký kê khai thuế trong cả nước vẫn tăng dần.

´ Còn đối với những quỹ tài chính hiện đang trợ giúp các DNNVV thì như thế nào, thưa ông?

– Hiện nay, chúng ta mới chỉ có chính sách ưu đãi cho quỹ tín dụng nhân dân, trong khi tài chính vi mô lại hoạt động sâu hơn quỹ tín dụng nhân dân đặc biệt vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người lại chưa có chính sách ưu đãi nào. Trong khi đó, sức lan tỏa của các tổ chức tài chính vi mô lại khá cao. Chúng tôi đang trình Chính phủ và cần sự đồng tình của các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp nên chăng cho phép ban hành cơ chế thí điểm coi họ như là những trường hợp đặc biệt khuyến khích đầu tư và nên có ưu đãi thuế hợp lý.

´ Trong năm 2012, Bộ Tài chính có đề xuất chính sách ưu đãi nào về thuế cho các DN không, thưa ông?

– Theo dự báo, đầu năm 2012 nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Lãi suất tín dụng vẫn ở mức cao, lạm phát tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại… nên chúng tôi đang đề xuất nên cho dãn tiếp thuế của 2011 mà đáng ra DN phải nộp vào 2012 thì được lùi tiếp thêm 2 – 3 tháng nữa.

– Xin cảm ơn ông!

Cao Sơn thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Lao động