Tiếp tục giảm lãi suất cơ bản: Cần dự báo chính xác lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hẳn nhiên, do LSCB giảm, cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay  đều được ép xuống nhằm tạo ra nguồn động lực giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, với những động thái hiện nay của nền kinh tế, có thể nói: “thuốc lãi suất như hiện nay vẫn chưa đủ liều”.

Thứ nhất, trong những tháng tới, xu thế thị trường ảm đạm dần khiến giá cả tiếp tục đà tụt dốc là điều khó có thể tránh khỏi.

Trước hết, xét trên tổng thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn tiếp tục suy giảm đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư trong xã hội tăng chậm lại, khiến sức mua xã hội cũng giảm.

Trong đó, đối với các tầng lớp dân cư “yếu thế” trong xã hội, sẽ không phải chỉ là đối mặt với tốc độ tăng thu nhập chậm lại, mà công ăn việc làm còn trở nên khó khăn, trong khi những “di chứng” của thời lạm phát phi mã chắc chắn vẫn còn rất nặng nề, cho nên sức mua sẽ còn giảm sút mạnh. Do giá các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu đều tăng quá mạnh trong một thời gian rất dài khiến nhóm 20% dân cư “làm không đủ ăn” (nhóm có thu nhập thấp nhất) và có lẽ là cả nhóm 20% dân cư ở trong tình trạng “giật gấu vá vai” (nhóm có thu nhập dưới trung bình) đều ở trong tình trạng suy kiệt, giảm mạnh sức mua.

Đối với bộ phận dân cư có thu nhập trung bình và thu nhập khá trong xã hội, trong điều kiện tốc độ tăng thu nhập chậm lại, giá cả thị trường liên tục giảm, phần thì tâm lý “thắt lưng buộc bụng” mạnh lên, phần thì tạm dừng để chờ giá hàng hoá và dịch vụ “chạm đáy” mới chi tiêu cũng khiến cho sức mua xã hội giảm và giá cả tiếp tục tụt dốc.

Thứ hai, mục tiêu quan trọng hàng đầu mà chúng ta theo đuổi chí ít là từ nay đến giữa, thậm chí có thể kéo dài đến đầu năm 2010 là khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ, ngăn chặn đà suy giảm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì lãi suất như vậy vẫn còn quá cao trong điều kiện giá cả thị trường vẫn đang trên đà tụt dốc.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, trong điều kiện giá nguyên liệu thế giới đang trên đà tụt dốc mạnh như hiện nay, với một nền kinh tế mà “rổ hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu” đã lên tới khoảng 60% GDP như nước ta, hàng loạt ngành sản xuất đang và sẽ còn rơi vào tình trạng nghịch lý: càng nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất càng lỗ lớn do sức ép giảm giá bán sản phẩm theo giá nguyên liệu ngày càng mạnh. Việc “ôm hàng” của ngành thép, hay của những doanh nghiệp “có máu mặt” trong ngành nhựa khi giá các nguyên liệu này cao ngất ngưởng, dẫn đến tình trạng “sống dở chết dở” trước sức ép giảm giá đầu ra hiện nay là những minh chứng.

Do vậy, tiếp tục giảm mạnh LSCB để tiếp tục ép mạnh lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại xuống một cách tương ứng chính là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp rất đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua thời đoạn khó khăn này.

Thứ ba, giảm lãi suất hiện nay chính là để nhằm thực hiện nguyên tắc lãi suất thực dương hợp lý.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ,  với LSCB còn “mang nặng hơi hướng” chống lạm phát hiện nay, nó sẽ trở thành thực dương quá lớn trong điều kiện giá tiêu dùng chắc chắn là sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới. Trong trường hợp vẫn giữ LSCB như hiện nay, mà giá tiêu dùng tiếp tục giảm, thì người có vốn đương nhiên được hưởng lợi lớn, và ngược lại, không phải ai khác, mà chính là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh – những đối tượng chủ yếu sử dụng nguồn vốn này – sẽ phải “è cổ” chịu gánh nặng vô lý này.

Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, có thể việc giảm mạnh LSCB sẽ là “liều thuốc độc” đối với thị trường tài chính nước ta. Bởi lẽ, nếu cắt giảm mạnh LSCB, có thể là tuyệt đại bộ phận những người có vốn đều khẳng định là mình bị thua thiệt lớn khi cái mốc họ dùng để so sánh không phải là cái gì khác ngoài mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 15% của Quốc hội mới giao cho Chính phủ gần đây.

Do vậy, tiền đề để có thể cắt giảm mạnh LSCB hiện nay xuống mức hợp lý nhằm góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu trong những tháng tới là khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ, ngăn chặn đà suy giảm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là dự báo chính xác tốc độ tăng lạm phát sẽ thấp hơn nhiều so với con số 15% nêu trên và công bố rộng rãi để toàn dân được biết.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị