Tìm giải pháp "mềm" cho thị trường vàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), bà Dương Thu Hương đặt vấn đề như vậy tại hội thảo “Thị trường Vàng Việt Nam – Những vấn đề đặt ra” do VNBA và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) phối hợp tổ chức hôm qua.

Phát triển ngược?

“Trong khi thị trường vàng thế giới đang phát triển nhanh chóng, với các hình thái đầu tư hiện đại, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, với chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư vàng vật chất, thì thị trường vàng Việt Nam lại giới hạn ở các giao dịch vàng vật chất và một số hình thái huy động, cho vay nhất định. Những khác biệt này, ở những góc độ nhất định đã có tác động không nhỏ tới vấn đề quản lý tiền tệ, ổn định vĩ mô và huy động nọi lực phát triển KTXH…”, TS Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank  thẳng thắn.

Thực tế, sau các biện pháp siết chặt nguồn cung “vàng thật” và cấm kinh doanh “vàng ảo”, NHNN thực hiện hạn chế các hoạt động huy động và cho vay vàng của NHTM trong nước. Tháng 10/2010, NHNN ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN chỉ cho phép các TCTD huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng).

Thông tư cũng quy định TCTD không được chuyển đổi vốn huy đồng bằng vàng  thành VND và các hình thức bằng tiền khác nhằm hạn chế các hoạt động huy động và cho vay vàng của các TCTD…

Theo TS Đỗ Thị Thủy, Ủy viên HĐQT Vietinbank, các chính sách hiện thời của NHNN dù đã mang một số kết quả nhất định, những những tác động trực tiếp đến thị trường đã thể hiện sự thiếu đồng bộ, gây ra nhiều nút thắt cần được tháo gỡ…

“Cần thiết phải xem xét vấn đề vàng trong mối quan hệ nhân quả, biện chứng với tỷ giá và lạm phát. Bên cạnh đó, cần coi vàng là phương tiện cất trữ, lưu thông tiền tệ chứ không chỉ là hàng hóa thông thường để có giải pháp tiếp cận và xử lý vấn đề trên cơ sở dài hơi, tôn trọng thực tiễn, quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, tập quán gửi vàng của người dân, kể cả việc xem xét thực tiễn khó khăn trong việc ngăn chặn vàng nhập lậu biên giới”, TS Thủy đề nghị.

Ông Phí Đăng Minh (VNBA) cũng cho rằng, tỷ lệ dự trữ vàng trong dân cao có lợi hay hại hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của các cơ quan QLNN, nếu chính sách quản lý của nhà nước phù hợp và phản ánh đúng quy luật khách quan thì yếu tố lợi sẽ lớn hơn hại…

Đề xuất giải pháp “mềm”

“Không nên có biện pháp hành chính để cấm đoán, cưỡng đoạt vàng trong người dân. Tôi nghĩ những biệp pháp cấm đoán thái quá sẽ làm cho thị trường sốc, không phù hợp với xu thế hội nhập. Mặt khác, cần phải tiến tới một cơ chế công khai, minh bạch cho thị trường vàng. Tôi nghĩ, một lúc nào đó cũng phải khôi phục thị trường vàng (có sự quản lý). Người dân trữ vàng cũng tại đồng tiền của mình. Nếu VND lúc nào cũng tự do chyển đổi sang vàng, USD, người ta trữ vàng làm gì?. Về lâu dài thị trường vàng Việt Nam phải hội nhập thực sự với thị trường vàng thế giới để triệt tiêu buôn lậu, kiểm soát được đầu cơ…”, TS Lê Đăng Doanh phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này TS Đỗ Thị Thủy cũng cho rằng, các biện pháp có tính hành chính, cắt giảm đột ngột, ngăn cấm mua bán vàng… càng làm vàng ra khỏi kênh chính thức, thay vào đó cần có bước trung gian để chu chuyển vàng (hút vàng vào ngân hàng).

Mặt khác, cũng theo TS Thuỷ, cần có cơ chế để chu chuyển vàng thành VND, cần có giải pháp để huy động số vàng hiện có trong dân để không lãng phí nguồn tài chính quan trọng. NHNN nên cho phép các NHTM tái chiết khấu vàng để ấy VND, khi đó nhà nước sẽ thu hút được vàng trong dân vào lưu thông, giúp chu chuyển nguồn vốn bằng vàng…

TS Vũ Đình Ánh (Học viện Tài chính) cho rằng, không nên hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội vì theo một số chuyên gia, hiện có đến 45% tiền để dành của dân cư Việt Nam dưới dạng vàng, nhất là ở nông thôn, chỉ có 24% là tiền mặt gửi trong ngân hàng, số còn lại đầu tư vào ngoài tệ, bất động sản.

TS Ánh cũng đề xuất phương án chuyển vàng thành ngoại tệ, cụ thể Bộ Tài chính huy động vàng của dân thông qua trái phiếu bằng vàng, sau đó NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ, dạng như cầm cố để lấy vốn cho đầu tư.

“Với cách huy động này vừa tăng thanh khoản cho vàng, vừa giúp cho NSNN có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Khi đó, thay vì phải cấp phép cho các DN nhập khẩu vàng thì có thể mua trực tiếp từ Chính phủ…”, TS Ánh phân tích.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam