Tìm kiếm cơ hội sau khủng hoảng: Không dễ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo các chuyên gia, gói kích cầu của Chính phủ bước đầu đã phát huy tác dụng. Kinh tế thế giới có thể phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế lớn, song dù thế nào thì việc tìm kiếm cơ hội sau khủng hoảng ngay từ bây giờ là cái đích mà các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhắm đến.

Tìm kiếm cơ hội với các doanh nhiệp lớn thường khó khăn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nhà nước có bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nhiều nấc. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường, thay đổi ngành nghề kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ cũng dễ dàng hơn, quản trị doanh nghiệp cũng không quá phức tạp… Tuy nhiên, cái vướng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn đó và chưa được tháo gỡ. Tại hội thảo Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, tổ chức vào cuối năm 2008, các nhà nghiên cứu kinh tế đã đưa ra con số, 20% trong tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng bên bờ vực phá sản hoặc rất khó khăn. Với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như thảm cói ở Thanh Hóa, mỹ nghệ ở các huyện ngoại thành Hà Nội phải tạm dừng sản xuất cho công nhân nghỉ việc vì không xuất được hàng, nhưng hằng tháng vẫn phải trả lãi các khoản vay ngân hàng. Với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước thì khó khăn lại nhân đôi, bởi ngoài sức mua giảm lại còn bị áp lực hàng giá rẻ và hàng nhập lậu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn ở mức cao và vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất rất cao khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng trần lãi suất đối với tiền đồng và ngoại tệ để kiềm chế lạm phát.

Đầu năm 2009, tình hình vẫn chưa sáng sủa. Kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã không phát huy hiệu quả khi chỉ số chứng khoán Việt Nam tụt dần và phá đáy 300 điểm và ở mức này trong nhiều tháng liền. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời công bố gói kích cầu 1 tỷ USD và nền kinh tế có điểm tựa để phục hồi. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2009, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 280 doanh nghiệp mới được thành lập. Trong số doanh nghiệp thành lập mới, thì số doanh nghiệp làm dịch vụ chiếm tỷ lệ áp đảo so với sản xuất công nghiệp. Lý do khiến các doanh nghiệp mới tập trung vào du lịch, dịch vụ vì dễ tìm kiếm mặt bằng, vốn đầu tư không lớn. Còn đầu tư vào sản xuất công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng họ vẫn cần phải có mặt bằng để dựng nhà xưởng. Mà thủ tục hành chính để có được mặt bằng vẫn làm các nhà đầu tư nản lòng. Song hiện tại, tìm kiếm mặt bằng thuận tiện cho sản xuất cũng không dễ khi mà quỹ đất đang cạn dần. Một lý do khác là vốn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng ngay cả trong gói kích cầu của Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất khi vay ngân hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được với khoản vay ưu đãi này vì họ vẫn còn các khoản nợ cũ. Các doanh nghiệp muốn vay thương mại cũng không dễ bởi khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ hết sức thận trọng. Cuối năm 2008, các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhưng nay lãi suất huy động lại tụt xuống nên họ, dù muốn cho vay cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Đáng nói hơn cả, tại thời điểm này thì nỗi lo lớn nhất chính là hàng giá rẻ, hàng nhập lậu từ nước ngoài tràn vào. Cho dù có lợi thế về giá nhân công thì các mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử, đồ điện gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em… sản xuất tại Việt Nam không thể cạnh tranh nổi ngay trên sân nhà. Bộ tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật mà quốc gia nào cũng sử dụng để ngăn chặn hàng nước ngoài, “bảo hộ” sản xuất trong nước lại thiếu trầm trọng. Từ nhiều năm nay, hàng nhập lậu vào Việt Nam ngoài khiến doanh nghiệp trong nước lao đao, còn thất thu thuế cho Nhà nước. Mới đây có chuyên gia kinh tế ví von rằng cửa khẩu hiện đã mở đến TP Hồ Chí Minh… và như thế, các doanh nghiệp trong nước liệu có thể chống đỡ nổi với hàng lậu, hàng giá rẻ đầy rẫy ở trung tâm thương mại lớn nhất nước?

Sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930, nhiều doanh nghiệp bị phá sản nhưng nhiều doanh nghiệp khác phát triển mạnh mẽ. Đi tìm cơ hội sau khủng hoảng kinh tế là con đường tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển. Khi các doanh nghiệp lớn đóng góp nhiều cho GDP thì chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại giải được bài toán cho xã hội là thu hút tới hàng triệu lao động. Do vậy vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế mà còn là với xã hội. Nhưng vẫn còn đó những bất cập khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó kiếm tìm cơ hội…

Đỗ Ngọc Bính
Nguồn: Báo Hà Nội mới