Theo Ban Tổ chức, yêu cầu về biểu trưng (logo) quốc gia gạo Việt Nam phải thể hiện được bản chất, ý nghĩa và đặc trưng của thương hiệu gạo Việt Nam trên nhiều yếu tố như lịch sử, truyền thống sản xuất. Cùng với đó là chất lượng và những cam kết về sản phẩm của Nhà nước đối với sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Biểu trưng không vi phạm các yếu tố về văn hóa, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và thế giới, không có những dấu hiệu chỉ dẫn không phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa cũng như giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam.
Ngoài ra, biểu trưng phải có tính khái quát cao, đạt được các yêu cầu về thẩm mỹ, khoa học, tính biểu cảm, dễ nhận biết và ấn tượng với người tiêu dùng thể hiện qua cách bố cục, màu sắc, hình ảnh, đường nét…
Các tiêu chí chung của biểu trưng phải bảo đảm tính mới, tính khái quát, tính đặc trưng thể hiện được đặc thù về danh tiếng, hình ảnh của gạo Việt Nam.
Thời gian bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động cuộc thi đến 17 giờ ngày 26/6/2017 (tính theo dấu bưu điện nơi đến). Hồ sơ gửi về Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Thời gian công bố kết quả cuộc thi trong khoảng tháng 9/2017. Cơ cấu và giá trị giải thưởng gồm 1 giải Nhất trị giá 100 triệu đồng và 4 giải Khuyến khích, mỗi giải 15 triệu đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam, cần tiến hành qua nhiều bước, trong đó có xây dựng biểu trưng. Biểu trưng sẽ được sử dụng chính thức làm biểu trưng quốc gia đối với sản phẩm gạo Việt Nam, đồng thời sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với gạo mang thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đỗ Hương
Nguồn: www.chinhphu.vn