Tín dụng ngoại tệ: cửa mở cho ngân hàng lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – ngân hàng có thế mạnh trong hoạt động tài trợ tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, cho biết đối với ngân hàng ông khả năng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong những tháng cuối năm vẫn còn nếu tỷ giá được duy trì ổn định.

Ông Phước cho biết trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ (chủ yếu là đô la Mỹ) của Eximbank có chậm lại so với những tháng trước do tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ có nhích lên, làm các doanh nghiệp cẩn trọng hơn. Ông cho rằng tăng trưởng tín dụng bằng đô la Mỹ trong các tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoại tệ và tỷ giá. “Nếu tỷ giá ổn định hoặc tăng nhẹ khoảng 1-2%, mà lãi suất ngoại tệ thấp thì các doanh nghiệp sẽ cân nhắc tiếp tục vay ngoại tệ và ngược lại”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, ông Phước cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy tỷ giá sẽ biến động mạnh theo hướng đi lên. Đồng đô la Mỹ đang bị suy yếu so với các ngoại tệ khác trong thời gian gần đây nên cũng sẽ giúp thị trường ngoại hối của Việt Nam ổn định hơn. Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô hiện cũng diễn biến theo chiều hướng khá tốt, nên theo ông sẽ khó ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá từ nay đến cuối năm.

Việc tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ sẽ còn phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng lớn như Eximbank cho biết huy động ngoại tệ vẫn tăng trưởng khá ổn định thì những ngân hàng cổ phần nhỏ lại gặp khó trong vấn đề này.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ có trụ sở tại TPHCM cho biết tín dụng bằng ngoại tệ của ngân hàng ông sẽ khó tăng trong những tháng cuối năm do huy động ngoại tệ thấp. “Huy động ngoại tệ từ trước đến nay phụ thuộc nhiều vào các tổ chức kinh tế nhưng do lãi suất huy động chỉ còn 1%/năm nên các tổ chức khi có ngoại tệ thì bán cho ngân hàng chứ không gửi nữa”, ông nói. Thêm vào đó, các ngân hàng nhỏ cũng không có thế mạnh về cho vay xuất nhập khẩu nên tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng khó có cơ hội tăng, vị tổng giám đốc này cho biết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ trong các tháng đầu năm cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng dư nợ bằng ngoại tệ những tháng cuối năm của các ngân hàng sẽ không dễ dàng.

Hiện tại, lãi suất cho vay đô la Mỹ ở các ngân hàng dao động từ 5,5% đến 7%/năm trong khi lãi suất cho vay tiền đồng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nằm trong khoảng từ 12% đến 13,5%/năm.

Về giá mua bán đô la Mỹ, một vài ngân hàng cổ phần như Eximbank và Sacombank đã giảm nhẹ giá mua đô la Mỹ xuống lần lượt còn 19.090 và 19.080 đồng trong hôm nay (9-8), trong khi tại các ngân hàng khác như ACB và Vietcombank giá mua đô la Mỹ đã được nâng lên 19.098 đồng. Giá bán đô la Mỹ ở tất cả các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao nhất là 19.100 đồng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online