Tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát rình rập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tăng trưởng tín dụng có thể lên 40%

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế lạm phát năm nay giữ ở mức một con số và theo chiều hướng giảm, được coi là cố gắng của Chính phủ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, so với mức chung của thế giới thì lạm phát 7% vẫn là khá cao.

Ông Thiên lo ngại khi cho rằng lạm phát năm 2010 sẽ rất có thể xảy ra bởi tăng trưởng tín dụng hiện đang rất nóng, đạt mức 33% chỉ trong 10 tháng đầu năm. Theo như chỉ tiêu của Ngân hàng nhà nước, đầu năm đưa ra tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25%, sau đó đến tháng 8 điều chỉnh lên là 30%. Nhưng chắc chắn từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ không chỉ dừng ở dưới mức 35%.

Đồng tình với ông Thiên, ông Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt mức 40%. Bởi từ giờ đến hết năm chỉ còn hai tháng nữa, mà đây là hai tháng để các doanh nghiệp, xí nghiệp, các lĩnh vực dự án đầu tư cần vốn để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Vì vậy áp lực vay vốn rất cao.

Tái lạm phát đang rình rập

“Câu chuyện không phải tăng trưởng tín dụng mức 40% hay 30% hay bao nhiêu phần trăm mà điều đáng lo ngại là chúng ta khó có thể kiểm soát được con số này. Bài học năm 2007 vẫn còn đó khi tăng trưởng tín dụng lên đến 53%, tiền đổ ào ào vào các lĩnh vực đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…” – ông Ánh khuyến cáo.

Ông Thiên cũng cho rằng việc tăng trưởng tín dụng nóng là một trong những yếu tố chính tác động đến tăng lạm phát vào năm 2010. Hiện dấu hiệu tái lạm phát đã bắt đầu xuất hiện dù có độ trễ của dòng tiền bơm ra ngoài. Điều đáng lo ngại là kinh tế thế giới hiện đang khôi phục, mặt bằng giá cả như giá dầu thô bắt đầu tăng lên trong khi nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu tương đương 95% GDP. Khôi phục kinh tế của nước ngoài cũng có nghĩa các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng giá, tăng lạm phát. Do vậy, chúng ta cần phải cẩn thận vì khi đề ra chỉ tiêu lạm phát cho năm tới và đưa ra những giải pháp phù hợp, nếu các giải pháp không tương thích sẽ gây ra bất ổn. Đấy là điểm đáng lo ngại.

Áp lực tỷ giá rất gay gắt

Theo TS Ánh, năm 2009 tỷ giá hối đoái là vấn đề trọng tâm trong chính sách tiền tệ, đặc biệt là khủng hoảng tác động đến cán cân thanh toán khiến bị thâm hụt. Do vậy, đồng Việt Nam luôn chịu sức ép rất lớn. Sức ép này sẽ chuyển sang năm 2010, gây khó khăn cho chúng ta về xuất khẩu, trong đó có vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Ánh cũng cho biết dù Ngân hàng nhà nước đã có các biện pháp điểu chỉnh tỷ giá hối đoái để rút ngắn khoảng cách thị trường tự do và thị trường chính thức nhưng thị trường tự do đã tăng vọt lên đến gần 19.000 đồng/USD. Nó phản ánh cung cầu về ngoại hối gặp vấn đề do xuất phát từ cán cân thanh toán chung.

TS Hoàng Xuân Quế, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết theo tính toán của Ngân hàng nhà nước, nếu như để đồng Việt Nam mất giá 5% thôi thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi thêm 26.000 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài, các doanh nghiệp cũng phải trả nợ thêm 13.000 tỷ đồng. Chiếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân tám tháng đầu năm nay, tỷ giá VND/USD tăng 9,02% so với cùng kỳ năm 2008. Rõ ràng là gánh nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên.

Làm thế nào để giảm áp lực tỷ giá? Theo ông Phạm Hồng Cờ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nam Định), nhà nước tăng cường quản lý hoạt động ngoại hối theo tín hiệu thị trường trên cơ sở giữ ổn định giá trị đồng tiền, hạn chế rủi ro tỷ giá. Đồng thời, điều hành quản lý tốt mối quan hệ về tỷ giá, đầu tư trực tiếp nước ngoài, cán cân thanh toán xuất nhập khẩu.

Một việc rất quan trọng mà ông Cờ cũng cho rằng Ngân hàng nhà nước cần phải làm là dự báo luồng ngoại tệ vào và ra để làm cơ sở định hướng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đối với hoạt động xuất khẩu, cần khuyến khích các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu trực tiếp. Đối với nhập khẩu, cần nâng thuế để hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP HCM