Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2009 đã diễn ra vào ngày hôm qua, 2-3 và kết thúc vào chiều nay, 3-3 tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT đã báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm là 106,1 ngàn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và là mức rất thấp nếu so sánh với mức tăng trưởng trung bình năm 2008 là 14,6% . Điều này biểu hiện nguy cơ suy giảm của công nghiệp Việt Nam vốn là một đầu tầu quan trọng của nền kinh tế trong những năm vừa qua.

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2009 cũng không mấy khả quan mặc dù chính phủ đã triển khai một loạt các giải pháp hỗ trợ về lãi suất cũng như tỷ giá. Tính chung hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 8 tỷ USD giảm 5,1% so với cùng kì năm 2008. Mức suy giảm xuất khẩu bắt nguồn từ lực cầu suy giảm của các nước nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, do nền kinh tế các nước trên đang gặp khó khăn. Xu hướng trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng tiếp tục suy giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi đó các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô và gia công có khả năng cạnh tranh thấp. Tuy nhiên tính chung hai tháng đầu năm Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 290 triệu USD do nhập khẩu giảm mạnh đến 43,1% so với cùng kì năm ngoái nhờ các chính sách hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng của chính phủ Việt Nam theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng không được hỗ trợ lãi suất đồng thời chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng.

Lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và có khả năng bùng phát trở lại. Tháng 2 năm 2009 chỉ số giá tiêu dùng đã có bước tăng đột biến ngoài sự tiên liệu của các nhà kinh tế. Mặc dù trong năm 2008 vừa qua chính phủ đã thành công trong công cuộc kìm chế lạm phát nhưng nguyên nhân sâu xa chưa khắc phục được, như hiệu quả đầu tư thấp, năng suất nền kinh tế không tăng, giá trị gia tăng thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm… do đó, nguy cơ lạm phát vẫn còn. Sự tăng giá của nhóm hàng dịch vụ ăn uống và thực phẩm đã đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2009 lên mức 1,17% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2009, CPI đã tăng 1,49% và mức tăng trung bình so với 2 tháng đầu năm 2008 là 16,13%. Chỉ số tăng giá tiêu dùng đang ở mức cao cộng thêm với thu nhập của người dân không tăng thậm chí có xu hướng giảm sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và điều này sẽ là rào cản cho tăng trưởng kinh tế khi đầu ra cho hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa bị thu hẹp. Ngoài ra người dân thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm mà giá cả vẫn không hạ nhiệt chắc chắn sẽ khiến cho giải pháp kích cầu tiêu dùng của chính phủ trở nên kém hiệu quả. Ví dụ trên địa bàn Tp.HCM, nếu loại trừ yếu tố giá, thì doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ năm trước tăng 19,9%). Dấu hiệu giảm sức cầu đã khá rõ, trong khi chính sách kích cầu vẫn chưa có tác dụng kích thích sức mua.

Tình trạng thất nghiệp trên địa bàn cả nước cũng rất đáng quan ngại, tính đến cuối tháng 2/2009, số liệu mà Cục việc làm Bộ LĐ, TB&XH, nắm được từ 41 địa phương có các khu công nghiệp phát triển đã có hơn 66 700 lao động mất việc làm. Trong khi đó,ước tính đã có hơn 80 nghìn người mất việc trong cả nước năm 2008. Trong đó tỉnh báo cáo lao động mất việc cao nhất là TP Hồ Chí Minh hơn 19 nghìn người, thứ tự còn lại là các tỉnh Hà Nội hơn 10 nghìn người, Đồng Nai, Bình Dương từ 8 đến 10 nghìn người, Hưng Yên, Vĩnh Phúc 4-5 nghìn người. Tình trạng này sẽ đặt một áp lực lớn lên quốc gia về việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người trên.

Tóm lại nền kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2009 tương đối ảm đạm đòi hỏi chính phủ phải có các giải pháp quyết liệt nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua giông bão và hướng tới tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Hoàng Công Tuấn
Nguồn:
www.sanotc.com